"Cò" vẫn tràn lan

Mạnh tay dẹp nhưng "cò" vẫn tràn lan ở bệnh viện

Tuy đã có những biện pháp khá mạnh tay nhưng nạn "cò" ở cổng các bệnh viện trên địa bàn Hà Nội vẫn chưa được giải quyết triệt để.
Đã thành một phản xạ, hễ có việc phải tới bệnh viện là nhiều người lại nhăn mặt chùn mũi vì ngại đủ thứ. Chẳng kể tới viễn cảnh phải tranh nhau từng centimét để xe, nhiều người còn phát hoảng với đội ngũ “cò” giăng như mắc cửi khắp trong ngoài bệnh viện.

Coi “cò” như một thứ bệnh nan y, nhiều bệnh viện chỉ lắc đầu chán nản khi nói về cuộc chiến với cánh “ruồi bu” này. “Chủ nhà” đã thế, người sống lâu năm ở Hà Nội đã đành, nhưng còn bao người từ trăm nẻo miền quê lạ lẫm. Họ ngày ngày vỗn đã phải gồng mình gánh ngất ngưởng đủ thứ tiền chi tiêu, lên thủ đô, lại còn phải cõng thêm cả nỗi lo với cánh cò bệnh viện.

Tiền mất, tật... vẫn đó

9 giờ sáng, đoạn đường qua bệnh viện K Trung ương inh ỏi còi xe. Loay hoay hồi lâu, chúng tôi mới tìm được một chỗ trống hiếm hoi trong bãi gửi xe mãi phía đường Hai Bà Trưng.

Dù được báo trước rằng bệnh viện K là một trong nơi giới "cò" thịnh nhất nhưng chúng tôi vẫn được một phen ngỡ ngàng vì… gặp cò nhanh quá. "Tăm tia" thấy hai vợ chồng già ôm khư khư chiếc balô nhàu nát, cánh r"uồi bu" lập tức xuất kích. Dường như đã có sự phân chia, một phụ nữ tuổi ngoài 30 trong nhóm trực chiến phía ngoài cổng nhanh chóng áp sát mục tiêu.

Sau đôi ba câu vào chuyện rất nghề, chị nọ tâm sự với đôi vợ chồng già về cảnh khám bệnh khó như lên trời của bệnh viện. Rằng chính chị ta đã ở Hà Nội cả tuần nhưng đến kết quả bệnh tật thế nào chị cũng chẳng hay. Nghiêm trọng hơn, người phụ nữ “tốt bụng” ấy còn liệt kê ra một loạt các khoản tiền mà những người từ quê lên chữa bệnh phải trả, nào là tiền ăn ở, đi lại, nào là tiền chụp chiếu…

“Nói chung, mỗi ngày ở lại Hà Nội là phải tốn tiền triệu,” chị nọ liếc mắt nhìn hai vợ chồng già thở dài.

Cặp vợ chồng già suốt cả buổi nói chuyện cứ khép nép, lập cập ghi nhớ lời dặn của người cùng cảnh mới quen. Chả biết thực hư thế nào, nhưng nghĩ tới cảnh phải tốn tiền núi mà chưa biết bệnh tật lành dữ ra sao, đội vợ chồng già cũng thấy lẩy bẩy cả chân tay.

Thoáng thấy “con mồi” đã dần cắn câu, người phụ nữ có giọng nói ngọt lịm vội tiếp lời ngay: “Nhưng dù sao cũng đã ở đây vài hôm, quen biết các bác sỹ, nên giờ cũng đỡ vất vả.”

Câu nói lấp lửng rất chuyên nghiệp của người phụ nữ nọ y như rằng có hiệu quả ngay. Cặp vợ chồng già mừng như vớ được vàng, rối rít nhờ người phụ nữ mới quen dẫn đi “cho được việc.”

Chỉ đợi có thế, người phụ nữ đành “miễn cưỡng” đồng ý vì “việc nhà chị còn chưa xong, nhưng thôi, thương hai bác tuổi già mà phải lang thang ở Hà Nội thì chịu sao nổi."

"Nhưng cháu trước nói, cũng phải tốn một ít tiền đấy, không thì không xong được vụ này,” người phụ nữ lạ mặt không quên cảnh báo.

Điều đặc biệt là cuộc trò chuyện nọ cứ thản nhiên diễn ra ngay trước mặt chúng tôi. Không một chút e dè, chị “cò” nọ cứ vô tư kể chuyện, mặc dù theo nhiều người gần đó, ngày nào chị chẳng phục ở cổng, chứ nào có phải người từ miền quê xa xôi nào lên chữa bệnh.

Việc nhờ giúp đỡ của hai vợ chồng già chẳng rõ có thành hay không nhưng có nhiều người, vì lỡ tin vào lời đường mật của cánh cò mồi mà vừa mất tiền, vừa chẳng được việc.

Chị Hồng (Long Biên, Hà Nội), vẫn nhớ kỷ niệm đắng cay một lần lỡ tin vào đội ngũ cò mồi. Vài tuần trước, chị dẫn bố đi khám ở bệnh viện mắt trung ương. Nghe mấy thanh niên lạ mặt rót lời, chị nhẹ dạ đưa 100.000 đồng để được ưu tiên khám trước. Nào ngờ, cánh thanh niên nọ dẫn chị đi lòng vòng mãi, rồi kết luận một câu xanh rờn: “Bác sỹ quen hôm nay nghỉ nên phải đợi một chút.”

“Đôi co một hồi, cuối cùng tên đó chỉ trả lại cho mình 50.000 đồng. Còn lại, mình cũng chẳng hơi đâu mà đòi,” chị Hồng nhớ lại.

Biết nhưng khó phòng bệnh?

Thừa nhận tình trạng "cò" dập dìu trong khu vực bệnh viện nhưng ông Trần Văn Thuấn, Phó Giám đốc Bệnh viện K Trung ương khá tự tin khẳng định, bệnh viện đã phối hợp với lực lượng công an phường để hạn chế tối đa nạn cò mồi trong bệnh viện.

Vậy nên, theo ông Thuấn, hiện tình trạng này ở bệnh viện “hầu như không có.”

Tuy nhiên, nhiều bệnh viện vẫn phải đưa ra khuyến cáo bệnh nhân khi đến khám chữa bệnh hãy nêu cao cảnh giác, tuyệt đối không tin và nhờ "cò mồi" dẫn dắt vào khám, mà hãy xếp theo số thứ tự vừa thể hiện sự văn minh, vừa không bị mất tiền oan.

Trên thực tế, tình trạng “cò” hoành hành ở các bệnh viện vẫn diễn ra khá phức tạp. Một số bệnh viện khá “bị động” trong việc dẹp bỏ vấn nạn này.

Trung tuần tháng 11 vừa qua, Công an Hà Nội đã bắt giữ 4 đối tượng “cò mồi” ở bệnh viện K (phố Quán Sứ, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) về hành vi gây mất trật tự công cộng. Song hành động mạnh tay này hình như chỉ khiến đội ngũ cò rụt rè được một thời gian ngắn.

Ông Thuấn cũng khẳng định, bệnh viện đã có một số biện pháp để hạn chế cánh cò mồi như thông báo trên loa, đài trong viện. Thêm vào đó, đội ngũ bảo vệ cũng được siết chặt hơn. Biện pháp phòng bệnh là vậy nhưng thực tế, "cò" tại khu vực này nghênh đón bệnh nhân ngay từ... bãi gửi xe.

“Nói tình trạng cò mồi hầu như không có thì thiếu thực tế quá,” một người sống gần khu vực Quán Sứ thổ lộ.

Cùng nói về vấn đề này, ông Nguyễn Đức Thành, phó giám đốc viện Mắt Trung ương thừa nhận, rất khó để quản lý vấn nạn cò.

Ông Thành cho biết, sắp tới bệnh viện sẽ thuê công ty bảo vệ để củng cố thêm an ninh. Tuy nhiên, ông cũng tiết lộ, việc ngăn chặn cánh cò mồi không dễ bởi, bệnh viện chỉ quản lý được khu vực bên trong viện, còn khu vực bên ngoài thì… đành chịu.

Chính vì lẽ đó, để giải quyết triệt để nạn “cò” tại các bệnh viện phải có sự kết hợp của nhiều cơ quan chức năng chứ không chỉ riêng các bệnh viện./.

Xuân Dũng-Ngọc Cương (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục