Guinea là thị trường tiềm năng cho doanh nghiệp Việt

Trong cơ cấu xuất khẩu của Việt Nam sang Guinea thời gian qua, gạo luôn là mặt hàng chiếm tỷ trọng lớn nhất, từ 60 đến 80% tổng kim ngạch xuất khẩu. Nhận thấy lợi thế này của Việt Nam, và để nâng cao hiệu quả hoạt động xuất nhập khẩu, Guinea đã chọn Việt Nam là nơi cung ứng gạo. Theo Bộ trưởng Thương mại Guinea Mohamed Dorval Doumbouya, nước này cũng hy vọng Việt Nam có thể đẩy mạnh xuất khẩu sáng Guinea những mặt hàng như gạo, sản phẩm dệt may, thuốc lá, giày dép, sản phẩm sắt thép, hóa chất, linh kiện phụ tùng xe đạp xe máy, phân bón và nhập khẩu từ Guinea các mặt hàng hạt điều, gỗ, sắt thép phế liệu, khoáng sản.
Việt Nam và Guinea vừa ký kết Bản ghi nhớ về thương mại gạo. Theo đó, mỗi năm Việt Nam sẽ cung ứng cho thị trường Guinea 300.000 tấn gạo.

Nhân dịp này, phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với Bộ trưởng Bộ Thương mại Cộng hòa Guinea Mohamed Dorval Doumbouya về tiềm năng thị trường xuất khẩu gạo và các mặt hàng khác của Việt Nam sang Guinea trong tương lai.

Xin ngài Bộ trưởng cho biết, vì sao Guinea lại chọn Việt Nam là đối tác để cung ứng gạo?


Bộ trưởng Mohamed Dorval Doumbouya: Cộng hòa Guinea là quốc gia nằm ở khu vực Tây Phi, có dân số 11 triệu người. Do sản xuất trong nước chưa đáp ứng đủ nhu cầu nên mỗi năm, Guinea phải nhập khẩu từ 350.000 đến 400.000 tấn gạo. Chúng tôi nhận thấy rằng, Việt Nam là nước xuất khẩu gạo lớn thứ hai thế giới với lượng gạo xuất khẩu năm 2012 đạt 7,7 triệu tấn. Trong cơ cấu xuất khẩu của Việt Nam sang Guinea thời gian qua, gạo luôn là mặt hàng chiếm tỷ trọng lớn nhất, từ 60 đến 80% tổng kim ngạch xuất khẩu sang thị trường chúng tôi. Năm 2011, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng gạo của Việt Nam sang Guinea đã đạt 78 triệu USD trên tổng giá trị 95 triệu USD kim ngạch hàng hóa các loại.

Mặc dù có sự tăng trưởng mạnh song kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai nước vẫn chưa tương xứng với tiềm năng kinh tế, thương mại sẵn có. Nguyên nhân là do khoảng cách địa lý xa xôi, chưa có cơ quan đại diện ngoại giao, thương mại nên doanh nghiệp hai nước còn thiếu thông tin về thị trường, đối tác. Phần lớn trao đổi thương mại giữa hai nước, nhất là mặt hàng gạo phải thực hiện qua trung gian là người châu Âu và Lebanon. Điều này làm giảm lợi ích và tăng chi phí của doanh nghiệp xuất nhập khẩu gạo của Việt Nam và Guinea. Nhận thấy lợi thế này của Việt Nam, và để nâng cao hiệu quả hoạt động xuất nhập khẩu, Guinea đã chọn Việt Nam là nơi cung ứng gạo.

Ngài đánh giá thế nào về những thỏa thuận được ký kết vừa qua giữa Chính phủ hai nước?

Bộ trưởng Mohamed Dorval Doumbouya: Việc ký kết biên bản ghi nhớ về thương mại gạo là một tiền đề quan trọng và là hoạt động cụ thể góp phần tăng cường quan hệ hợp tác kinh tế thương mại song phương giữa hai nước. Lễ ký kết đã được thực hiện theo đúng những gì chúng tôi mong muốn. Chúng tôi đã có cuộc thảo luận rất chân thành và hữu nghị với ngài Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng. Chúng tôi đã thảo luận những điều kiện để hai bên cùng hợp tác thống nhất trong hoạt động trao đổi thương mại giữa Việt Nam và Guinea. Trước tiên là hợp tác về thương mại gạo và sau đó là mở rộng sang hợp tác các lĩnh vực khác hai bên có tiềm năng.

Bên cạnh lĩnh vực thương mại, Guinea cũng mong muốn hai bên có thể hợp tác trao đổi về công nghiệp chế biến. Chúng tôi hy vọng biên bản ghi nhớ giữa hai nước vừa ký sẽ được thực hiện trong điều kiện tốt nhất vì Việt Nam có nhiều khả năng và nổi tiếng tôn trọng thực hiện các cam kết.

Tuy nhiên, để hợp tác này được thuận lợi, Bộ Công Thương Việt Nam và Bộ Thương mại Guinea sẽ theo sát, đôn đốc và hỗ trợ hai đơn vị đầu mối (Vinafood 2 và Cục Nội thương và Cạnh tranh quốc gia Guinea) trong việc thực hiện những nội dung đã thỏa thuận trong biên bản ghi nhớ này. Việt Nam và Guinea cũng tăng cường trao đổi các đoàn cấp Chính phủ, doanh nghiệp, qua đó có thể tìm hiểu thực tế về tiềm năng, thế mạnh của nhau, đưa ra những chính sách, biện pháp phù hợp tạo điều kiện cho doanh nghiệp hai bên tiếp xúc và kinh doanh trực tiếp. Việt Nam có thể đẩy mạnh xuất khẩu những mặt hàng như gạo, sản phẩm dệt may, thuốc lá, giày dép, sản phẩm sắt thép, hóa chất, linh kiện phụ tùng xe đạp xe máy, phân bón và nhập khẩu từ Guinea các mặt hàng hạt điều, gỗ, sắt thép phế liệu, khoáng sản.

Để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hai nước trao đổi hợp tác thương mại với nhau, Guinea sẽ tạo điều kiện như thế nào, thưa ngài Bộ trưởng?

Bộ trưởng Mohamed Dorval Doumbouya: Trong buổi làm việc với Bộ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng nhấn mạnh Guinea là quốc gia sản xuất bôxít lớn thứ hai thế giới sau Australia nên Việt Nam mong muốn Guinea hợp tác và chia sẻ kinh nghiệm trong việc khai thác tài nguyên này . Tới đây, Việt Nam có thể tổ chức đoàn công tác sang Guinea để khảo sát thực tế và thúc đẩy hợp tác. Chúng tôi nhất trí với mong muốn này của Việt Nam và sẽ tạo điều kiện tốt nhất để đoàn khảo sát Việt Nam hoàn thành tốt nhiệm vụ.
 
Tuy nhiên, đối với các lĩnh vực khác, Bộ Công Thương Việt Nam và Bộ Thương mại Guinea cần thường xuyên giữ liên hệ, cung cấp những thông tin về cơ hội kinh doanh, đầu tư, danh sách các hội chợ triển lãm quốc tế lớn, danh sách các công ty xuất nhập khẩu uy tín để doanh nghiệp hai nước có điều kiện tiếp cận, giao dịch trực tiếp. Việt Nam và Guinea đã có quan hệ hữu nghị, truyền thống tốt đẹp. Guinea là nước dân tộc chủ nghĩa đầu tiên ở châu Phi có quan hệ ngoại giao với Việt Nam (9/10/1958).

Hiện nay, Đại sứ quán Việt Nam tại Morocco kiêm nhiệm Cộng hòa Guinea và Đại sứ quán Guinea tại Trung Quốc kiêm nhiệm Việt Nam. Đây cũng là điều kiện thuận lợi để hai nước trao đổi thông tin để hiểu biết lẫn nhau. Phía Guinea chúng tôi thống nhất làm hết khả năng để phát huy tất cả tiềm năng sẵn có thúc đẩy hợp tác toàn diện giữa hai nước.

Xin cảm ơn ngài Bộ trưởng!

Đỗ Thảo Nguyên (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục