Sức mạnh “Đế chế Blair”

Tìm hiểu những bí mật về sức mạnh “Đế chế Blair”

Các nguồn tin thân cận cho biết dự đoán về thu nhập của cựu thủ tướng Anh Tony Blair là khoảng 50-60 triệu bảng, mới sát với thực tế.
Báo Telegraph cho hay, năm 2007, tại buổi nói chuyện cuối cùng với tư cách Thủ tướng Anh và thủ lĩnh Công đảng tại Câu lạc bộ Trimdon - cơ sở của Công đảng, ông Tony Blair đã không giấu nụ cười tươi rói khi tuyên bố không chỉ rời Văn phòng Thủ tướng tại số 10 phố Downing mà còn rời luôn cả ghế hạ nghị sỹ.

Tuy nhiên, sau khi trút được trọng trách điều hành quốc gia và phục vụ nhân dân khá thành công trong 10 năm, cựu Thủ tướng Anh không hề nhàn rỗi hơn. Ông đi lại như con thoi với sứ mệnh đặc phái viên của “Bộ tứ” Mỹ, EU, Liên hợp quốc và Nga tại Trung Đông, làm cố vấn cho nhiều tập đoàn lớn, điều hành các công ty và quỹ từ thiện riêng, và tham gia các buổi nói chuyện trên khắp thế giới.

Người ta đồn đoán, riêng vị trí cố vấn cho Tập đoàn JP Morgan cũng giúp ông có thu nhập gần 1 triệu bảng (28 tỷ đồng)/năm. Trong một lần xuất hiện trở lại hiếm hoi trên chính trường Anh trước cuộc tổng tuyển cử tháng 5 vừa qua, một nguồn tin tiết lộ “đế chế” kinh doanh và làm từ thiện của ông Blair hiện đang thuê khoảng 130 người với tổng số lương chi trả hàng năm từ 10 triệu đến 20 triệu bảng.

Đây là một con số đáng kinh ngạc. Nó khiến những dự đoán về tổng tài sản cá nhân của ông Blair - thường được cho là 20 triệu bảng kể từ khi rời nhiệm sở - trở nên quá khiêm tốn.

Các nguồn tin thân cận cho biết dự đoán về thu nhập của ông Blair phải “gấp vài lần” con số nói trên, tức là khoảng 50-60 triệu bảng, mới sát với thực tế, mặc dù người phát ngôn của ông Blair nói rằng điều này là “nực cười.”

Tất nhiên khó có thể biết được sự thật, bởi thông qua mạng lưới các công ty của mình, ông Blair có thể luân chuyển thu nhập mà không phải công bố thu nhập hàng năm. Chỉ có hai công ty trong “Đế chế Blair” công khai kiểm toán với tổng lợi tức là 11,7 triệu bảng trong tài khóa 2008-2009. John Burton, một cựu nhân viên của ông Blair, mới đây đã tiết lộ về những gì nằm phía sau tài sản của cựu Thủ tướng Anh.

Ông Burton kể lại: “Tôi hỏi ông thuê toàn bộ bao nhiêu nhân viên? và ông ấy trả lời là 130. Trước đó khoảng hai năm khi số nhân viên là 25 người, ông ấy nói là phải kiếm 5 triệu bảng/năm để trả lương. Vì vậy, có Chúa mới biết ông ấy phải kiếm bao nhiêu tiền để trả lương cho 130 người.”

Có thể tưởng tượng với số nhân viên tăng năm lần thì số lương ông Blair phải trả cũng sẽ tăng tương ứng, mặc dù con số thực tế sẽ thấp hơn bởi các vị trí tuyển sau này hầu hết không phải là vị trí cấp cao.

Tuy nhiên, ông Blair được biết đến là người hào phóng với các thuộc cấp thân cận, nhiều người trong đó đã theo ông từ bỏ số 10 phố Downing để tới “Văn phòng Tony Blair.” Trong số đó có Ruth Turner, 39 tuổi, từng giữ chức Trưởng ban quan hệ chính phủ của ông Blair.

Cô Turner từng bị bắt trong cuộc điều tra vụ bê bối “đổi tiền lấy tước hiệu” ở Anh năm 2006-2007, mặc dù sau đó không bị kết án một tội danh nào. Giờ đây Turner là Giám đốc điều hành của Quỹ Lòng tin Tony Blair, một tổ chức từ thiện thúc đẩy sự hiểu biết lẫn nhau giữa các tôn giáo.

Sổ sách của quỹ trên cho biết hai trong số các nhân viên được trả lương cao nhất, trong đó có Turner, kiếm 110.000-120.000 bảng/năm, cao hơn cả lương Giám đốc Điều hành tổ chức từ thiện Oxfam với 5.000 nhân viên.

Dù trả lương hào phóng cho nhân viên, ông Blair vẫn có đủ tiền cho một cuộc sống dư dả. Một vị khách sau lần được mời đến tư dinh South Pavilion của vợ chồng Tony và Cherie Blair trị giá 5,75 triệu bảng ở thị trấn Wotton Underwood, Buckinghamshire, mô tả họ “sống như hoàng cung” với số nhân viên giúp việc lên đến 20 người.

“Họ sống vương giả hơn nhiều so với thời gian ông Blair làm thủ tướng. Ngôi nhà nông thôn của họ không thể tin nổi. Họ có nhiều người giúp việc và đồ đạc miễn chê. Họ giao thiệp với nhiều tỷ phú và cuộc sống của họ là sự di chuyển giữa các khách sạn 5 sao và các dinh thự trên thế giới, bằng máy bay hoặc trực thăng riêng,” vị khách này nói.

Hồi đầu năm nay, bà Blair từng bỏ ra hơn 250.000 bảng để mua các món đồ gỗ thời George và Regency (đầu thế kỷ 18 đến đầu thế kỷ 19). Vợ chồng nhà Blair cũng chi 1,13 triệu bảng để mua một ngôi nhà ở London cho người con trai thứ làm nghề giáo viên là Nicky.

Ông Blair đã bỏ túi khoản nhuận bút 4,6 triệu bảng cho cuốn hồi ký mang tên “Hành trình” sẽ được xuất bản trong năm nay; kiếm 1 triệu bảng từ Hoàng gia Kuwait để viết một báo cáo cho quốc gia Trung Đông giàu dầu mỏ này; và 2,5 triệu bảng từ lương tư vấn cho các tập đoàn JP Morgan và Zurich Financial Services.

Các khoản thu nhập này khiến số lương hưu 63.468 bảng/năm của ông trở thành không đáng kể. Ngoài ra, các buổi nói chuyện của ông Blair còn mang lại mức thù lao lên tới 200.000 bảng/buổi.

Thế nhưng đó vẫn chưa phải là nguồn thu nhập chính của “Đế chế Blair,” mà đóng vai trò chủ đạo là Tony Blair Associates, công ty do ông thành lập năm ngoái với chức năng chính là tư vấn cho các chính phủ trên thế giới.

Trong số các khách hàng của ông Blair có Kuwait và Các Tiểu vương quốc Arập Thống nhất, với mức phí được ước tính khoảng 5 triệu bảng/năm. Số tiền Tony Blair Associates kiếm được sẽ được trả vào một trong sáu công ty khác do ông Blair đứng tên, tất cả đều bắt đầu bằng hai cái tên Windrush hoặc Firerush.

Trong số này, chỉ có hai công ty thông báo mức lợi nhuận 11,7 triệu bảng trong năm ngoái. Tuy nhiên, chi tiết về nguồn gốc cũng như bao nhiêu phần trăm trong đó được chuyển vào tài khoản riêng của ông Blair thì không được tiết lộ.

Bốn công ty còn lại được đăng ký dưới hình thức đối tác hữu hạn hoặc đối tác trách nhiệm hữu hạn, nên chúng không buộc phải công khai sổ sách./.

(Báo Tin Tức/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục