Nam Phi đưa quân đội ngăn bạo lực ở mỏ bạch kim

Nam Phi đưa khoảng 1.000 binh sỹ đến mỏ bạch kim ở Marikana, nhằm giúp chấm dứt bạo lực phát sinh từ cuộc đình công của công nhân.
Từ ngày 15/9, Lực lượng Quốc phòng Nam Phi (SANDF) bắt đầu triển khai khoảng 1.000 binh sỹ đến mỏ bạch kim của Công ty Lonmin ở Marikana, gần thành phố Johannesburg, nhằm giúp chấm dứt tình trạng bạo lực phát sinh từ các cuộc đình công của công nhân.

Theo SANDF, lực lượng này đã nhận được đề nghị trợ giúp từ cảnh sát, muốn quân đội hỗ trợ ngăn chặn bạo lực. Trước đó, trong ngày 15/9, cảnh sát Nam Phi đã phát động một cuộc trấn áp lớn và bắt giữ ít nhất 12 người, đồng thời tịch thu một khối lượng lớn vũ khí thô sơ như thanh sắt, giáo mác, dao, gậy...

Cảnh sát cũng đã sử dụng đạn cao su và hơi cay sau khi các thợ mỏ đình công không chịu giải tán. Cảnh sát còn cảnh báo nếu tình hình không được kiểm soát, quân đội sẽ can thiệp.

Một ngày trước đó, Chính phủ Nam Phi đã cảnh báo có thể áp dụng biện pháp mạnh để trấn áp tình trạng bất ổn đang leo thang ở các mỏ, vốn đã kéo dài hơn một tháng qua.

Mỏ bạch kim của Công ty Lonmin ở Marikana là tâm điểm cho những tranh cãi liên quan đến lao động, sau đó lan ra 4 mỏ dọc vành đai mỏ gần Johannesburg, gây thiệt hại không nhỏ cho ngành khai thác khoáng sản vốn là trụ cột của nền kinh tế Nam Phi.

Trung tuần tháng 8 vừa qua, xung đột đã nổ ra giữa cảnh sát và thợ mỏ biểu tình tại mỏ bạch kim này làm 34 người thiệt mạng và 78 người bị thương.

Trước đó, trong một vụ xô xát khác giữa các thợ mỏ tham gia đình công, có thêm 10 người thiệt mạng.
Cảnh sát Nam Phi đã tạm giữ gần 300 thợ mỏ tình nghi kích động bạo lực, nhưng sau đó đã thả họ.

Chính phủ Nam Phi cũng như nhiều chuyên gia từ các lĩnh vực khác nhau đang cố tìm ra nguồn gốc lý giải tình trạng bất ổn ở các mỏ hiện nay.

Theo Giáo sư khoa học chính trị Dirk Kotze của Đại học Nam Phi, đầu tiên phải kể đến các vấn đề kinh tế - xã hội nói chung ở quốc gia này. Phương thức cũ đối với lao động nhập cư đến từ các vùng nghèo ở Nam Phi và các nước lân cận vẫn tiếp tục gây ra tình trạng đói nghèo cho thợ mỏ.

Tiếp đến là cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu tác động tiêu cực tới ngành khai khác bạch tim, khiến căng thẳng ở các mỏ càng tăng cao.

Các công ty vàng và bạch kim lập luận rằng lương công nhân thấp vì kinh tế thế giới suy thoái, trong khi những kim loại quý này mới là "nạn nhân đầu tiên" của khủng hoảng tài chính bắt đầu từ năm 2008.

Tuy nhiên, các thợ mỏ đình công lại cho rằng không thể lấy khủng hoảng kinh tế toàn cầu làm lý do bao biện cho sự chênh lệch lớn về lương của công nhân và giới quản lý.

Giáo sư Kotze cho rằng Nam Phi cần xúc tiến một hội nghị cấp cao về khai mỏ với sự tham gia đầy đủ của các đại diện chính phủ, doanh nghiệp, công đoàn cùng các bên liên quan khác để phát triển một kế hoạch toàn quốc cho ngành này./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục