Libya cấm quan chức chế độ cũ tham gia chính quyền

Libya cấm những người từng giữ chức vụ cấp cao trong thời kỳ cầm quyền của Muammar Gaddafi tham gia chính quyền đương nhiệm.
Theo phóng viên TTXVN tại Trung Đông, ngày 5/5, Quốc hội Libya đã thông qua một đạo luật cấm những người từng giữ chức vụ cấp cao trong 42 năm cầm quyền của nhà lãnh đạo bị lật đổ Muammar Gaddafi tham gia chính quyền đương nhiệm.

Trong một phiên họp quốc hội được phát trực tiếp trên truyền hình quốc gia, 164/169 đại biểu có mặt đã bỏ phiếu thông qua "Luật cách ly chính trị," theo đó tất cả những người từng giữ các chức vụ cấp cao kể từ khi ông Gaddafi lên nắm quyền vào tháng 9/1969 cho tới khi bị lật đổ vào tháng 10/2011 sẽ bị cấm tham gia chính quyền trong thời hạn 10 năm.

Đạo luật gây tranh cãi này có thể sẽ buộc một số quan chức cấp cao của chính phủ hiện nay phải từ chức, trong đó có Thủ tướng Ali Zeidan và Chủ tịch Quốc hội Mohamed Megaryef.

Cả hai người này từng là quan chức ngoại giao dưới thời ông Gaddafi trước khi tham gia phe đối lập lưu vong. Ít nhất 4 bộ trưởng và 15 đại biểu quốc hội, trong đó có Phó chủ tịch Jomaa Atiga, cũng có nguy cơ bị bãi nhiệm.

Ngoài ra, đạo luật này có thể còn ảnh hưởng tới nhiều đại sứ, sỹ quan an ninh, người đứng đầu các cơ quan chính phủ và các công ty nhà nước, giáo sư các trường đại học công và lãnh đạo các hiệp hội.

Người phát ngôn Quốc hội Omar Hmeidan cho biết điều luật này sẽ có hiệu lực trong vòng một tháng sau khi được thông qua, song nhấn mạnh rằng vẫn còn quá sớm để xác định những người sẽ bị ảnh hưởng. Dự kiến, một ủy ban đặc biệt sẽ được thành lập để triển khai áp dụng đạo luật này.

[Libya: Xung đột bùng phát lan rộng ở thủ đô Tripoli]

Từ nhiều tháng nay, dự luật nói trên đã làm dấy lên các cuộc tranh cãi gay gắt trong giới chính trị Libya.

Tình hình trở nên căng thẳng trong suốt tuần vừa qua khi nhiều tay súng được vũ trang bằng các loại vũ khí hạng nặng đã chiếm quyền kiểm soát hai bộ và bao vây một số cơ quan nhà nước, trong đó có Đài truyền hình quốc gia, nhằm gia tăng sức ép đòi cách chức các quan chức chính phủ từng làm việc trong chính quyền Muammar Gaddafi.

Theo nhận định của các chuyên gia, việc Quốc hội Libya thông qua đạo luật nói trên có thể tiếp tục khích lệ các nhóm vũ trang - trong đó phần lớn là phiến quân - sử dụng vũ lực và leo thang hành động nhằm gây áp lực lên chính quyền./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục