Bùng phát dịch bệnh tay chân miệng ở Quảng Ngãi

Tính đến ngày 20/7, toàn tỉnh Quảng Ngãi đã ghi nhận gần 2.900 ca mắc bệnh tay chân miệng, trong đó có năm trường hợp tử vong.
Ngày 20/7, ông Trần Thanh Dương, Cục phó Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) dẫn đầu đoàn công tác của Cục và Viện Pasteur Nha Trang đã có buổi làm việc với Sở Y tế Quảng Ngãi và các đơn vị liên quan về tình hình bệnh tay chân miệng trên địa bàn.

Theo báo cáo của Sở Y tế Quảng Ngãi, đến ngày 20/7, Quảng Ngãi ghi nhận gần 2.900 ca bệnh tay chân miệng, trong đó có năm trường hợp tử vong.

Bệnh xuất hiện tại tất cả 14 huyện, thành phố, 144 trong tổng số 184 xã, phường thị trấn. Bệnh tập trung chủ yếu ở nhóm trẻ từ 3 tuổi trở xuống, chiếm khoảng 70%.

Đến nay, trong 43 mẫu bệnh gửi Viện Pasteur Nha Trang xét nghiệm phân lập virus gây bệnh đã có 13 mẫu dương tính với enterovirus 71 và bốn mẫu dương tính với Coxsackievirus A 16.

Bệnh tăng trong tháng Sáu và giảm nhẹ trong đầu tháng Bảy. Tuy nhiên, theo ghi nhận của Viện Pasteur Nha Trang, tỉnh Quảng Ngãi đứng đầu khu vực miền Trung-Tây Nguyên về số ca mắc bệnh.

Sở Y tế Quảng Ngãi đã đề nghị Bộ Y tế tổ chức hội thảo rút kinh nghiệm điều trị và phác đồ điều trị cụ thể của bệnh tay chân miệng, đồng thời xác định rõ đường lây truyền của bệnh để có phương pháp phòng bệnh hiệu quả.

Quảng Ngãi cũng đề nghị được cấp thêm 15 máy phun và 2.000kg Cloramin B để xử lý nước sinh hoạt tại cộng đồng trong thời gian tới nhằm hạn chế tình trạng lây lan của bệnh, nhanh chóng xử lý, cô lập bệnh, tránh xảy ra dịch kép bệnh tay chân miệng và dịch sốt xuất huyết xảy ra theo chu kỳ vào tháng 10, 11 và 12.

Đại diện Cục y tế dự phòng đánh giá dịch xảy ra tại Quảng Ngãi khá cao, cường độ dịch lớn, diện rộng khoảng 75% số xã phường thị trấn đều có dịch, nguy cơ bùng phát dịch cao vì mầm bệnh có thể đã phát tán trong cộng đồng, nguy cơ bùng phát trong thời gian tới là rất lớn. Do đó tỉnh Quảng Ngãi cần tập trung kiến quyết dập dịch, nhất là các huyện miền núi, cập nhật kiến thức phòng chống bệnh tay chân miệng cho cán bộ y tế cơ sở.

Nếu tình hình diễn biến của dịch có chiều hướng xấu, Cục Y tế dự phòng đề nghị Sở Y tế Quảng Ngãi nhanh chóng báo cáo với lãnh đạo tỉnh để có chỉ đạo xử lý kịp thời, đề nghị ngành giáo dục phối hợp trong công tác phòng chống bệnh, chú ý xử lý ở các nhóm trẻ gia đình, nhà trẻ, khu vui chơi đông người. Vì bệnh lây qua đường tiêu hóa nên cần chú ý công tác vệ sinh an toàn thực phẩm.

Theo đại diện Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế sẽ tổng kết toàn quốc vào cuối năm và đề nghị Quảng Ngãi có báo cáo khoa học về bệnh tay chân miệng để có cơ sở đánh giá bệnh.

Cũng liên quan đến dịch bệnh tay chân miệng, bác sỹ Tô Đức Sinh, Giám đốc Trung tâm y tế dự phòng tỉnh Bình Phước cho biết tính đến ngày 19/7, toàn tỉnh Bình Phước đã phát hiện 102 trẻ em bị mắc bệnh tay chân miệng. Trong đó, địa phương có số người bị bệnh nhiều nhất là huyện Bù Đăng với 16 trường hợp, Lộc Ninh 15 trường hợp.

Trước tình hình bệnh tay chân miệng đang có chiều hướng diễn biến phức tạp và nguy cơ bùng phát thành những ổ dịch, Trung tâm y tế dự phòng tỉnh Bình Phước đã khuyến cáo và tuyên truyền sâu rộng công tác phòng chống bệnh tay chân miệng, đặc biệt là phổ biến cho các nhà trẻ, trường mầm non, nếu có trẻ nào bị nhiễm thì ngay lập tức phải thực hiện các biện pháp cách ly tại hộ gia đình để chăm sóc và theo dõi diễn biến của bệnh.

Các trung tâm y tế huyện phối hợp với ngành giáo dục làm tốt công tác vệ sinh môi trường ở các nhà trẻ, mẫu giáo để hạn chế lây lan và phát triển dịch bệnh. Trung tâm y tế dự phòng tỉnh Bình Phước cũng đang xây dựng kế hoạch cụ thể để ngăn chặn nguy cơ bùng phát bệnh tay chân miệng tại địa phương./.

Tất Thành-Đăng Lâm (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục