Hy Lạp cấp giấy cư trú dài hạn cho các nhà đầu tư

Nhằm thu hút vốn đầu tư tư nhân nước ngoài, Hy Lạp sẽ tạo điều kiện thuận lợi trong việc cấp giấy cư trú dài hạn cho các nhà đầu tư lớn.
Nhằm thu hút vốn đầu tư tư nhân nước ngoài, thúc đẩy du lịch và phục hồi kinh tế, từ tháng Năm tới, Hy Lạp sẽ thực thi đạo luật mới cho phép tạo điều kiện thuận lợi trong việc cấp giấy cư trú dài hạn cho các nhà đầu tư lớn.

Theo đạo luật này, người nước ngoài không thuộc Liên minh châu Âu (EU) sẽ được Hy Lạp cấp giấy phép cư trú thời hạn 5 năm và có thể được kéo dài cho bản thân và gia đình nếu họ mua hoặc thuê bất động sản tại nước này trong vòng 10 năm với giá trên 250.000 euro (325.000 USD).

Thứ trưởng Bộ Phát triển Notis Mitarakis cho biết đạo luật mới nhằm khuyến khích các dự án đầu tư dài hạn tối cần thiết cho Hy Lạp nhằm giúp nước này tăng thêm khả năng thoát khỏi khủng hoảng nợ công và khôi phục tăng trưởng kinh tế. Đây là điểm đáng chú ý nhất trong Đạo luật khuyến khích đầu tư sửa đổi, được Quốc hội thông qua mới đây.

Văn bản trên còn nhằm tạo môi trường kinh doanh thân thiện hơn cho giới doanh nghiệp để thu hút các dự án đầu tư tư nhân và dự án đầu tư chiến lược thông qua việc tiếp tục bài trừ tệ quan liêu và đẩy nhanh tiến trình cấp phép cho các dự án.

Lĩnh vực được ưu tiên đặc biệt là du lịch, "trụ cột" truyền thống của nền kinh tế Hy Lạp với tỷ trọng 18% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP).

Giới chức Hy Lạp hy vọng với sáng kiến cấp giấy phép cư trú dài hạn, các nhà đầu tư tư nhân lớn từ những nước không thuộc EU như Trung Quốc, Nga và các nước Arập... sẽ có thêm cơ hội thăm dò thị trường bất động sản đang ốm yếu của nước này.

Sáng kiến trên không chỉ giúp Hy Lạp được hưởng lợi từ các dự án đầu tư, mà còn giúp những người được cấp phép cư trú có thể đi lại tự do, dù điều đó không đồng nghĩa với việc họ có thể được làm việc ở Hy Lạp và những nước trong khu vực miễn thị thực Schengen.

Từ khi Hy Lạp rơi vào khủng hoảng nợ công, đầu tư vào nước này đã giảm 60% trong khi đầu tư được coi là "động cơ" chính giúp đảo ngược chiều hướng suy thoái kinh tế.

Trong ba năm qua, mặc dù Hy Lạp cũng đã đạt một số tiến bộ song giới chức nước này cũng như giới chức EU và Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) - hai thể chế tham gia cứu trợ vỡ nợ ở Hy Lạp - cho rằng Athens còn rất nhiều việc phải làm./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục