Thách thức trên con đường tiến tới Thế kỷ châu Á

Theo Chủ tịch ADB, có khả năng châu Á đóng góp trên 50% GDP thế giới và người châu Á sẽ thuộc về “thế giới giàu có” vào năm 2050.
Trong bài viết vừa được đăng trên báo Bưu điện Bangkok số ra mới đây, Chủ tịch Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) Haruhiko Kuroda nhận xét rằng khả năng châu Á đóng góp trên 50% tổng GDP của thế giới và ba tỷ người châu Á trở thành một phần của “thế giới giàu có” vào năm 2050 có thể sẽ diễn ra.

Điều kiện để đạt được điều đó là kinh tế châu Á tiếp tục tăng trưởng với nhịp độ như hiện nay và các thế hệ trẻ châu Á nắm bắt được chiếc “ba toong” rồi cùng bước vào đua với nó.

Tuy vậy, chiếc “ba toong” ấy có thể rất trơn và hiện có những thách thức rất lớn.

Đúng là các nền kinh tế châu Á đang phát triển đã đi đầu trong việc đưa thế giới ra khỏi cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất kể từ Chiến tranh thế giới thứ II đến nay, và trọng tâm kinh tế thế giới có vẻ đang chuyển dần tới châu Á. Do vậy, thế kỷ châu Á sẽ là sự kiện đáng hoan nghênh, mặc dù sự vươn lên của châu lục này không bao giờ được đảm bảo trước. Sự phồn thịnh và thoát khỏi cảnh đói nghèo ở châu Á không chỉ đòi hỏi tiêu chí tăng trưởng cao một cách đơn thuần, với sự bất bình đẳng cần phải được thu hẹp và tham nhũng bị loại bỏ.

Chiếm trên 50% tổng dân số toàn cầu, châu Á đang phải đương đầu với làn sóng đô thị hóa và vật lộn với cơ cấu dân số đang thay đổi. Sức cạnh tranh dài hạn của châu lục sẽ dựa nhiều vào mức độ sử dụng các nguồn lực, trong đó có nước và lương thực-thực phẩm, và khả năng quản lý nguồn khí thải cácbon.

Vì lợi ích tốt nhất của mình, châu Á cần khuyến khích đầu tư vào lĩnh vực công nghệ sạch và năng lực sáng tạo để duy trì đà tăng trưởng; phải hiện đại hóa hệ thống quản lý điều hành và bộ máy làm việc để đảm bảo mọi hoạt động của nhà nước minh bạch, có trách nhiệm và mang tính hiệu lực cao.

Châu Á cần vượt qua những thách thức kể trên thông qua nỗ lực tiếp tục cải thiện sản lượng, thực hiện các bước giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu và tình trạng Trái đất đang ấm dần lên, đồng thời chú trọng đến chương trình phát triển. Các nước châu Á cần rút ra bài học kinh nghiệm và bài học quan trọng nhất là tránh được những lỗi lầm đã phạm phải trong quá khứ, sau kỷ nguyên phát triển và công nghiệp hóa nhanh.

Thách thức lớn nhất đối với nhiều nền kinh tế châu Á là làm sao quản lý hiệu quả khả năng cung cấp các dịch vụ y tế và giáo dục có chất lượng, tạo lập những đô thị sống động và họat động hiệu quả, hệ thống ngân hàng và tài chính ổn định, cơ cấu pháp lý tin cậy và công bằng giúp bảo vệ các quyền của công dân và hạ tầng cơ sở tạo thuận lợi cho con người hay hàng hóa luân chuyển.

Các nhà lãnh đạo châu lục cần vạch ra chính sách quốc gia mạnh bạo và sáng tạo trong quá trình thực hiện hợp tác khu vực và hợp tác toàn cầu.

Theo Chủ tịch Haruhiko, hợp tác khu vực và hội nhập là yếu tố vô cùng quan trọng đối với con đường của châu Á hướng tới phồn vinh. Sự hợp tác to lớn hơn giúp bảo vệ những thành tựu kinh tế trước những nguy cơ dễ bị tổn thương từ bên ngoài, góp phần củng cố sức mạnh kinh tế của khu vực cũng như tiếng nói trong cấu trúc tài chính toàn cầu và chiếc cầu nối từng nền kinh tế với phần còn lại của nhân loại.

Quá trình toàn cầu hóa, nỗ lực hướng tới chủ nghĩa khu vực cởi mở và hợp tác tốt hơn đã gặt hái được những thành công. Nếu chúng ta tiếp tục tiến trình này với sự sáng tạo và mang tính doanh nghiệp và nếu ta theo đuổi sự phát triển bền vững, đồng thời cải thiện công tác quản lý thì một "Thế kỷ châu Á" là đáng hoan nghênh và có thể đạt được. Châu Á cần hành động và xem mình như là một công dân có trách nhiệm của thế giới./.

Ngọc Tiến (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục