Cơ hội phát triển phần mềm và CNTT Việt-Nhật

"Hội thảo hợp tác phần mềm và Công nghệ thông tin Việt-Nhật" đã bàn về ngành phần mềm 2 nước, cơ hội hợp tác cho doanh nghiệp.
Ngày 24/8, tại Hà Nội, Hiệp hội phần mềm Việt Nam (VINASA), Cục Xúc tiến thương mại Bộ Công thương và Hiệp hội Công nghệ thông tin Nhật Bản (JISA) đã phối hợp tổ chức "Hội thảo hợp tác phần mềm và Công nghệ thông tin Việt-Nhật".

Hội thảo đưa ra các thông tin về tình hình ngành phần mềm 2 nước, các khó khăn, thách thức trong suy thoái kinh tế và cơ hội hợp tác cho doanh nghiệp 2 nước.

Phía Nhật Bản cho biết, trong năm 2008, doanh thu ngành công nghiệp phần mềm Nhật Bản đạt 170 tỷ USD, đội ngũ nhân lực khoảng 800.000 người.

Hoạt động thuê gia công ngoài biên giới đang là xu thế của các công ty Nhật Bản với tốc độ tăng trưởng tới 30%/năm; quy mô gia công hải ngoại năm 2008 đạt 3,9 tỷ USD, trong đó Trung Quốc chiếm vị trí thứ nhất với 85% thị phần, thứ 2 là Ấn Độ với 15%, Việt Nam đã vươn lên vị trí thứ 3 nhưng thị phần rất nhỏ là 0,5%.

Tuy nhiên, theo khảo sát của JISA, Việt Nam là đối tác được ưa thích số 1 của các doanh nghiệp Nhật Bản, tốc độ tăng trưởng gia công với Việt Nam tăng trung bình trên 100% năm trong những năm gần đây.

Nhiều công ty Việt Nam có 100% doanh thu từ thị trường Nhật Bản. Công ty cổ phần công nghệ lớn nhất Việt Nam là FPT có 56% doanh thu từ Nhật Bản, chi nhánh FPT tại Nhật chỉ sau chưa đầy 3 năm hoạt động đã có trên 140 lao động. Các công ty phần mềm lớn của Nhật như Hitachi, NEC, Fujisu... đều đã mở công ty con tại Việt Nam và đang phát triển quân số nhanh để đáp ứng nhu cầu đến từ công ty mẹ.

Mặc dù doanh nghiệp 2 nước đều bị ảnh hưởng của suy thoái kinh tế toàn cầu nhưng cơ hội hợp tác giữa doanh nghiệp hai bên là rất lớn. Việt Nam có thế giúp Nhật Bản giải quyết khó khăn về thiếu hụt nhân lực công nghệ thông tin trong nước, hạ giá thành sản phẩm, rút ngắn thời gian hoàn thành các sản phẩm phầm mềm nhúng (chiếm 56% doanh số gia công bên ngoài của Nhật Bản).

Tuy nhiên, để có thể đạt được mục tiêu nâng thị phần gia công của Việt Nam đối với Nhật Bản gấp 10 lần hiện nay, trong 5 năm tới, Việt Nam cũng phải đối mặt với một số vấn đề: Chưa có chương trình đào tạo tốt, thiếu kỹ sư cao cấp và kỹ sư nói tiếng Nhật, thiếu chính sách để xây dựng ngành công nghệ thông tin, cơ sở hạ tầng chưa tốt, quy mô nhỏ...

Các đại biểu Việt Nam cũng đưa ra một số đề xuất: Công việc cấp thiết hiện nay là đào tạo được đội ngũ kỹ sư công nghệ thông tin đủ năng lực; cần nâng cao nhận thức của các công ty phần mềm để đảm bảo an toàn thông tin, bí mật thông tin của khách hàng, có quá trình kiểm soát chất lượng, xây dựng và duy trì hiểu biết trong nội bộ, xây dựng lòng tin và chữ tín, đảm bảo nghĩa vụ xã hội; kiểm soát chi phí nhân lực để giữ nhân viên có khả năng đáng tin cậy./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục