Ngành Công thương cần hoàn thiện khuôn khổ pháp lý

Thủ tướng đề nghị ngành công thương tiếp tục nỗ lực hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, cơ chế chính sách đáp ứng yêu cầu phát triển.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị ngành công thương cần tiếp tục nỗ lực để hình thành đồng bộ và hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, cơ chế chính sách đáp ứng yêu cầu phát triển.

Phát biểu tại buổi Lễ kỷ niệm 60 năm Ngày truyền thống ngành công thương Việt Nam (14/5) và đón nhận Huân chương Độc lập hạng nhất, tổ chức ngày 9/5, tở Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đề nghị ngành công thương cần làm tốt công tác xây dựng và chỉ đạo thực hiện các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành, lĩnh vực, quy hoạch vùng, lãnh thổ, các chương trình phát triển và các dự án quan trọng của ngành; có các giải pháp đồng bộ và phù hợp để phát triển nhanh, bền vững và hiệu quả các ngành, lĩnh vực công nghiệp, xuất khẩu, thương mại nội địa và quản lý tốt việc nhập khẩu; tăng cường kiểm tra giám sát bảo đảm thực thi có hiệu quả các nhiệm vụ của ngành và theo đúng các quy định của pháp luật.

Thủ tướng nêu rõ bước vào giai đoạn phát triển mới, trong bối cảnh có nhiều thời cơ thuận lợi và khó khăn thách thức đều lớn và đan xen, ngành công thương phải tiếp tục phấn đấu vươn lên hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình, cùng với cả nước thực hiện thắng lợi mục tiêu đã được Đảng xác định là tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển nhanh, bền vững; phát huy sức mạnh toàn dân tộc, xây dựng nước cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020.

Ngành đã xây dựng được một cơ cấu kinh tế công nghiệp-nông nghiệp-dịch vụ hiện đại, hiệu quả; tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ chiếm khoảng 85%, giá trị sản phẩm công nghệ cao và sản phẩm ứng dụng công nghệ cao đạt khoảng 45% trong tổng GDP; giá trị sản phẩm công nghiệp chế tạo chiếm khoảng 40% tổng giá trị sản xuất công nghiệp. Trong 5 năm tới, phấn đấu giá trị gia tăng công nghiệp-xây dựng tăng 7,8-8%/năm; kim ngạch xuất khẩu tăng 12%/năm, giảm dần nhập siêu và cân bằng xuất nhập vào năm 2020.

Nhằm thực hiện thắng lợi kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2011, Thủ tướng yêu cầu ngành tập trung tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh sản xuất công nghiệp, góp phần bảo đảm cân đối cung cầu, nhất là các mặt hàng thiết yếu cho sản xuất và đời sống nhân dân; từng bước cơ cấu lại sản xuất công nghiệp theo hướng tăng hàm lượng khoa học công nghệ và tỉ trọng giá trị nội địa trong sản phẩm; tập trung đầu tư cho các ngành công nghiệp nền tảng; ưu tiên phát triển các sản phẩm có lợi thế cạnh tranh, sản phẩm có khả năng tham gia vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu; phát triển mạnh công nghiệp hỗ trợ...

Trước mắt, Bộ Công thương tập trung chỉ đạo bảo đảm tiến độ xây dựng các nhà máy điện, huy động tối đa công suất hiện có; phối hợp với các ngành, địa phương chỉ đạo việc tiết kiệm điện, phân bổ hợp lý để bảo đảm đáp ứng điện cho các nhu cầu thiết yếu của sản xuất và đời sống nhân dân, đặc biệt là trong mùa khô tới đây; thực hiện đồng bộ các giải pháp để đẩy mạnh xuất khẩu góp phần thúc đẩy sản xuất trong nước, giải quyết việc làm và cải thiện đời sống nhân dân; đồng thời điều hành và kiểm soát có hiệu quả việc nhập khẩu, đáp ứng các nhu cầu thiết yếu cho phát triển sản xuất, đời sống và giảm nhập siêu.

Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Công thương khẩn trương xây dựng các quy định về kiểm soát nhập khẩu hàng hóa, vật tư, thiết bị của các công trình, dự án đầu tư bằng nguồn vốn nhà nước (ngân sách, trái phiếu Chính phủ, vốn do Chính phủ bảo lãnh, vốn đầu tư của doanh nghiệp Nhà nước); tăng cường giám sát việc thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về sử dụng hàng hóa, vật tư, thiết bị sản xuất trong nước, nhất là các dự án sử dụng máy móc, thiết bị, vật liệu nhập khẩu.

Ngành cần tổ chức tốt các hoạt động thương mại nội địa, bình ổn thị trường, giá cả, làm tốt hơn nữa công tác dự báo, chủ động và tích cực thúc đẩy quá trình hội nhập kinh tế quốc tế , thực hiện nghiêm túc các quy định và chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về quản lý ngoại tệ...

Thủ tướng bày tỏ tin tưởng, với truyền thống rất đáng tự hào của mình, cán bộ, công chức, viên chức ngành công thương sẽ phát huy những thành tích to lớn đã đạt được, ra sức khắc phục những hạn chế yếu kém, nỗ lực phấn đấu hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, đóng góp nhiều hơn nữa, thiết thực hơn nữa vào sự phát triển của đất nước, xứng đáng với truyền thống tốt đẹp và sự tin yêu của Đảng, Nhà nước và nhân dân.

Cách đây 60 năm, ngày 14 tháng 5 năm 1951, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký sắc lệnh đổi tên Bộ Kinh tế thành Bộ công thương. Đây là một dấu mốc quan trọng trong lịch sử phát triển của ngành công thương Việt Nam. Trải qua 60 năm phát triển và trưởng thành, các thế hệ ngành công thương Việt Nam đã nỗ lực phấn đấu, vượt qua muôn vàn khó khăn, gian khổ, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, đóng góp to lớn vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng vào bảo vệ tổ quốc Việt Nam.

Ngay từ những năm đầu thành lập, trong điều kiện kinh tế-xã hội đất nước có nhiều khó khăn, lại phải tiến hành cuộc kháng chiến đánh đuổi giặc ngoại xâm, diệt “giặc đói,” “giặc dốt,” nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng, ngành công thương đã từng bước xây dựng và phát triển nền công nghiệp và thương mại non trẻ của nước nhà, vừa phục vụ kháng chiến, vừa góp phần bảo đảm ổn định đời sống nhân dân và phát triển kinh tế đất nước.

Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, ngành công thương đã nỗ lực góp phần làm tốt hai nhiệm vụ, vừa xây dựng cơ sở vật chất ban đầu cho Chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, vừa đẩy mạnh sản xuất chi viện cho miền Nam ruột thịt, cùng cả nước làm nên thắng lợi vĩ đại mùa xuân 1975, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, đưa cả nước đi lên Chủ nghĩa xã hội. Qua hai cuộc kháng chiến, nhiều cán bộ ngành công thương đã anh dũng hy sinh trong khi làm nhiệm vụ.

Sau ngày đất nước thống nhất, đặc biệt là trong thời kỳ đổi mới, các thế hệ cán bộ, công nhân viên chức, người lao động ngành công thương đã tiếp tục phát huy những kết quả đạt được và truyền thống tốt đẹp của ngành, tích cực thực hiện đường lối đổi mới do Đảng khởi xướng và lãnh đạo và đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, đóng góp to lớn vào việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội mà Đảng và Nhà nước đã đề ra, luôn xứng đáng là một trụ cột quan trọng của nền kinh tế nước nhà. Đến nay, ngành công thương đã trở thành ngành có đóng góp lớn nhất trong GDP và thu ngân sách hàng năm của cả nước, tạo việc làm cho hàng triệu lao động.

Công nghiệp phát triển ổn định và có tốc độ tăng trưởng cao, bình quân khoảng 15%/năm trong 10 năm qua, nắm giữ nhiều lĩnh vực sản xuất then chốt của nền kinh tế như năng lượng, khai thác khoáng sản, dầu khí, luyện kim, hóa chất, cơ khí… và những ngành hàng tiêu dùng thiết yếu như dệt may, giày dép, thực phẩm, nước giải khát… Các sản phẩm công nghiệp về cơ bản đã đáp ứng được nhu cầu của sản xuất và đời sống nhân dân trong nước cũng như đóng góp ngày càng tăng cho xuất khẩu.

Trong nhiều năm qua, kim ngạch xuất khẩu liên tục tăng trưởng cao, năm 2010 đã tăng gấp 92 lần năm 1986. Cơ cấu hàng xuất khẩu được chuyển dịch theo hướng tích cực, phong phú về mẫu mã, chủng loại, tỷ trọng hàng công nghiệp chế biến ngày càng tăng. Thị trường không ngừng được mở rộng, đến nay Việt Nam đã có quan hệ kinh tế, thương mại với trên 230 nước và vùng lãnh thổ. Quy mô ngoại thương ngày càng lớn, kim ngạch xuất nhập khẩu đã tương đương với 150% tổng GDP. Nhập siêu từng bước được kiểm soát và có xu hướng giảm dần.

Hoạt động thương mại và dịch vụ trên thị trường trong nước cũng không ngừng phát triển, đáp ứng ngày càng tốt hơn các nhu cầu thiết yếu cho sản xuất, sinh hoạt và tiêu dùng của nhân dân; hệ thống phân phối hàng hóa ngày càng phát triển theo hướng văn minh, hiện đại; các hình thức tổ chức thương mại hiện đại như siêu thị, trung tâm thương mại cũng như mạng lưới chợ ở nông thôn ngày càng phát triển; ngành đã có đóng góp quan trọng đưa nền kinh tế hội nhập ngày càng đầy đủ và hiệu quả vào nền kinh tế thế giới.

Việc Việt Nam trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), ASEAN, tham gia vào nhiều khu vực mậu dịch tự do và có quan hệ kinh tế, thương mại với hầu hết các nước và vùng lãnh thổ trên thế giới; trong đó có nhiều đối tác lớn, là những dấu mốc rất quan trọng, nâng tầm hội nhập của Việt Nam lên cấp độ toàn cầu. Kết quả hội nhập đã tạo thuận lợi cho hoạt động xuất, nhập khẩu cũng như góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế./.

Thiện Thuật (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục