James Cameron và nỗi buồn của “kẻ chiến bại”

Hy vọng bộ phim “Avatar” lặp lại chiến tích như "Titanic" của James Cameron đã tiêu tan trước đối thủ nặng ký “The Hurt Locker".
Hơn 10 năm trước, James Cameron tuyên bố ông là “vị vua của thế giới” khi siêu phẩm "Titanic" giành giải Oscar cho bộ phim xuất sắc nhất.

Thế nhưng, hy vọng lặp lại chiến tích sau hơn 10 năm của ông với bộ phim bom tấn 3D “Avatar” đã tiêu tan trước đối thủ nặng ký “The Hurt Locker" - bộ phim về đề tài chiến tranh có kinh phí thấp hơn nhiều của nữ đạo diễn Kathryn Bigelow.

Chắc chắn không phải “vượng khí” của Ngày quốc tế phụ nữ 8/3 làm nên chiến thắng cho Bigelow và đoàn làm phim của bà mà chính tính thời sự nóng bỏng của cuộc chiến Iraq đã khiến Viện Hàn lâm điện ảnh không thể không để mắt tới bộ phim “giá rẻ” này.

Chỉ với 11 triệu USD, Kathryn Bigelow đã làm nên lịch sử bất chấp những tai tiếng quanh vụ scandal vận động hành lang trái phép cho bộ phim.

The Hurt Locker" là câu chuyện về ba người lính với ba tính cách khác nhau có nhiệm vụ dò tìm và tháo gỡ bom mìn ở Baghdad (Iraq) - nơi sự sống và cái chết chỉ cách nhau vài tích tắc.

Vậy là giấc mơ về một thế giới đại đồng nơi con người và muôn loài cùng chung sống hòa bình trên hành tinh Pandora xinh đẹp đã không vượt qua nổi hiện thực khắc nghiệt của cuộc chiến tranh kéo dài 7 năm ròng ở quốc gia vùng Vịnh Iraq.

Nẫng tay trên của “Avatar” một lúc cả hai đề cử Phim xuất sắc nhất và Đạo diễn xuất sắc nhất, “The Hurt Locker” còn giành thêm 4 giải thưởng khác. Trong khi đó, siêu phẩm ăn khách nhất mọi thời đại “Avatar” chỉ mang về 3 giải liên quan đến khía cạnh kỹ thuật trong khi cá nhân Cameron lại ra về tay trắng sau ba đề cử bất thành.

Trái với giải Oscar, “Avatar” của James Cameron đã nhận được giải thưởng Quả cầu vàng của Hiệp hội báo chí nước ngoài tại Hollywood (Golden Globe Awards) cho hạng mục Phim xuất sắc hồi tháng Một vừa qua.

Đây là một giải thưởng có uy tín dành cho những cống hiến xuất sắc trong ngành kỹ nghệ giải trí, cả ở Mỹ lẫn nước ngoài và nhằm hướng sự chú ý của công chúng vào các bộ phim và chương trình truyền hình hay nhất trước thềm lễ trao giải Oscar.

Giải thưởng này thường được coi là thước đo cho giải Oscar bất chấp lý lịch nhiều tranh cãi của nó về mặt chuyên môn.

Nếu một bộ phim nhận được giải thưởng Quả cầu vàng ở hạng mục nào thì sẽ có nhiều khả năng nhận giải Orcars cho hạng mục đó. Tuy nhiên, cái điều tưởng chừng như chắc chắn ấy lại không xảy đến với đứa con tinh thần của James.

Và đáng chú ý hơn cả, Hiệp hội báo chí nước ngoài, tuy là cơ quan đăng cai tổ chức giải Quả cầu vàng nhưng đa số thành viên hiệp hội lại ít làm các công việc chuyên môn liên quan đến điện ảnh và chẳng ai trong số này là những người tham gia bỏ phiếu ở Oscar.

Hơn nữa, James Cameron và đoàn làm phim của ông đã có đôi chút chủ quan khi đánh giá thấp tài PR hết sức bài bản và táo bạo của “The Hurt Locker.”

Hãng Summit - nhà sản xuất của “The Hurt Locker” - đã lựa chọn hẳn một chuyên gia vận động tranh giải là Synthia Swartz trong khi hãng 20th Century Fox để mình đạo diễn Cameron “tự biên tự diễn.”

Chẳng thế mà phe của Kathryn Bigelow miệt mài đánh bóng hình ảnh cho đứa con tinh thần của mình tới mức Nicolas Chartier, một trong bốn nhà sản xuất của bộ phim này, đã gửi đi rất nhiều email đến Ban giám khảo Oscar đề nghị về thứ hạng trao giải. Theo đó, "The Hurt Locker" ở vị trí thứ số một trong khi đối thủ "Avatar" đứng ở vị trí thứ 10.

Cách vận động hành lang thái quá đó suýt nữa khiến “The Hurt Locker” đánh mất giải Oscar cho bộ phim xuất sắc nhất.

Kết quả đầy bất ngờ trong lễ trao giải tối 7/3 (giờ Mỹ) là nỗi buồn của “kẻ chiến bại” James Cameron sau 15 năm nung nấu ý tưởng về siêu phẩm trong mơ "Avatar.

Thế nhưng, điều mà vị đạo diễn lừng danh này đã giành được đó là sự đón nhận hết sức nồng nhiệt của người hâm mộ trên toàn cầu với doanh thu cao kỷ lục, biến kiệt tác điện ảnh này trở thành bộ phim đắt khách nhất mọi thời đại./.

Cao Phong (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục