Chủ động phòng bệnh khi dịch H5N1 bùng phát lại

Dịch H5N1 vẫn chưa lui và đang có dấu hiệu bùng phát trở lại trên hàng ngàn con chim yến tại Ninh Thuận khiến người dân lo lắng.
Dịch H5N1 vẫn chưa lui và đang có dấu hiệu bùng phát trở lại. Vừa qua, hàng nghìn con chim yến tại Ninh Thuận chết vì lây nhiễm virus cúm gia cầm H5N1 và sự kiện gần đây tại Đồng Tháp đã ghi nhận có 1 người tử vong do nhiễm cúm A/H5N1. [Đồng Tháp: Một người bị tử vong do nhiễm H5N1]Khó kiểm soát virus Nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế Trịnh Quân Huấn khẳng định, nguy cơ lây nhiễm cúm A/H5N1 từ gia cầm và chim chóc sang người là hoàn toàn có thể. Chẳng hạn như trường hợp cháu bé Nguyễn Duy Hoàng Huy (4 tuổi), ở xã Tân Hội Trung, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp vừa tử vong do nhiễm virus cúm A/H5N1 sau khi tiếp xúc và ăn thịt gia cầm do người nhà chế biến. Ông Huấn cho hay, đây là lần đầu tiên phát hiện virus cúm A/H5N1 trên đàn chim yến. Trước kia, virus cúm này đã được phát hiện trên gà, ngan, chim cút.  Vừa qua, cơ quan thú y đã lấy mẫu đàn chim yến 2-3 lần và kết quả đều có virus H5N1. Theo ông Huấn, cúm H5N1 đã được phát hiện tại Việt Nam từ năm 2005 chủ yếu trên gia cầm. Như vậy, dịch cúm trên đã lưu hành ở Việt Nam đã 8 năm. Nguy hiểm nhất là vịt, ngan có thể mang virus cúm nàty nhưng không biểu hiện bệnh lý. Nguồn bệnh này có thể lây lan giữa các đàn gia cầm, giữa các đàn chim, trong đó có chim yến. Đề cập đến nguy cơ lây lan của dịch cúm, ông Huấn lưu ý, hiện nay nhiều virus cúm như  H7N9 hay H5N1 đều có ở các loài chim hoang dã, di trú từ nơi này sang nơi khác, vì vậy việc kiểm soát rất khó khăn. “Có một khó khăn là người dân không thể bắt, nhốt, khoanh vùng các đàn chim yến như với gia cầm và thủy cầm do phạm vi hoạt động của chúng rất rộng. Ban ngày chim yến có thể xuống biển, tối chúng lại lên Tây Nguyên, trong khi khu vực này có rất nhiều đàn yến, sự giao lưu giữa các đàn chim yến rất có thể dẫn đến lây lan nguồn bệnh,” ông Huấn cảnh báo. Vì vậy, người dân các khu vực nuôi chim yến cần cảnh giác giám sát chặt chẽ những con chim yến ốm hoặc rơi tự do trong khu vực nuôi.

                 Virus cúm A/H5N1 đã được phát hiện trên trên các đàn gia cầm tại Việt Nam từ năm 2005. (Ảnh: Hoàng Hùng/TTXVN)
Dự phòng - giải pháp phòng bệnhtốt nhất Theo Bộ Y tế, virus cúm A/H5N1 khi ra môi trường bên ngoài thường chết rất nhanh nhưng có thể tồn tại hàng ngày nếu gặp điều kiện thuận lợi như môi trường ẩm, nhiệt độ thấp... Trong môi trường nhiệt độ từ 25 độ trở lên virus cúm sẽ bị chết trong vòng 3-4 giờ. Vì vậy, người dân khi sử dụng các sản phẩm chim yến phải được xử lý qua nhiệt kỹ. Đặc biệt, trong trường hợp phải tiếp xúc, chế biến các loại gia cầm nói chung hay với chim nghi bị bệnh, người nuôi cần có phương tiện phòng hộ như khẩu trang, rửa tay sát khuẩn thường xuyên. Để phòng bệnh, Cục Y tế Dự phòng lưu ý người nuôi chim yến khi thấy có tình trạng chim chết bất thường nên liên hệ với cơ quan thú y để có kế hoạch theo dõi kịp thời. Đồng thời đến ngay các cơ sở y tế khi thấy có biểu hiện nhiễm cúm như sốt cao, khó thở, nhiễm trùng huyết, suy đa phủ tạng. Bàn về nguy cơ lây nhiễm virus H5N1, ông Trịnh Quân Huấn lưu ý, người dân dễ bị nhiễm bệnh khi dịch tiết của gia cầm bị bệnh bắn vào mắt, miệng và những phần da bị xước. Những người trực tiếp tiếp xúc có nguy cơ nhiễm bệnh cao nhất, người xem hoặc đứng bên cạnh thì khả năng thấp hơn. Thống kê cho thấy, có tới 60% trường hợp tử vong là do tiếp xúc trực tiếp với gia cầm bị bệnh. Hiện nay, thế giới vẫn chưa có vắcxin phòng bệnh cúm H5N1 cho người trong khi độc lực của bệnh cúm này rất cao. Vì vậy, ông Huấn cho rằng, biện pháp tốt nhất là người dân cần trang bị những kiến thức phòng bệnh để tự bảo vệ mình. Theo giáo sư Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, hiện mới chỉ có cúm B, H3N2, H1N1 có vắcxin phòng bệnh. Các loại vắcxin này không có tác dụng miễn dịch chéo với virus cúm H5N1 và H7N9. Bên cạnh đó, mũi vắcxin phòng các loại cúm chỉ có tác dụng trong 1 năm nên để phòng bệnh mỗi năm người dân nên tiêm vắcxin 1 lần để công tác phòng bệnh được hiệu quả. Tuy nhiên, ông Hiển cũng lưu ý tới khả năng người tiêm cũng có thể nhiễm loại virus khác, không cùng chủng loại với loại vắcxin đã tiêm./.
Thùy Giang (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục