Argentina và thế giới tưởng nhớ ông Nestor Kirchner

Sau khi cựu Tổng thống Nestor Kirchner từ trần ngày 27/10, Chính phủ Argentina và nhiều nước quyết định để quốc tang 3 ngày.
Sau khi cựu Tổng thống, nghị sỹ và Chủ tịch Đảng Công lý cầm quyền Nestor Kirchner đột ngột từ trần ngày 27/10, Chính phủ Argentina quyết định để quốc tang 3 ngày.

Hàng nghìn người dân thủ đô Buenos Aires đã tham dự lễ tuần hành tại quảng trường Tháng Năm để tưởng nhớ và tôn vinh nhà lãnh đạo được coi là có dấu ấn sâu đậm nhất trong hàng thập kỷ qua tại nước này.

Trong khi đó, sau khi đưa ra nhiều phát biểu bày tỏ sự thương tiếc tới Tổng thống Argentina Cristina Fernández, vợ và bạn đồng hành chính trị của ông Kirchner, Tổng thống các nước Venezuela, Uruguay, Bolivia, Ecuador, Chile, Paraguay, Colombia và Brazil khẳng định sẽ tới Buenos Aires để tham dự lễ viếng chính thức tại Phủ Tổng thống Argentina.

Chính phủ các nước Brazil, Venezuela, Uruguay và Ecuador cũng đã tuyên bố để tang chính thức 3 ngày. Nguyên thủ các nước Mỹ Latin khác, Tổng thống Mỹ, Thủ tướng Tây Ban Nha, Tổng Thư ký Liên hợp quốc, Tổng Thư ký Tổ chức các quốc gia châu Mỹ (OAS) và nhiều nhà lãnh đạo trên thế giới đã gửi lời chia buồn và khẳng định sự ra đi của ông Kirchner là “mất mát lớn của Argentina và của Mỹ Latin.”

Ông Nestor Kirchner sinh ngày 25/2/1950 trong một gia đình lao động tại tỉnh Santa Cruz, miền Nam Argentina. Ông nhận bằng Luật sư năm 1976 và từ trẻ đã tham gia nhiều hoạt động chính trị chống chế độ độc tài quân sự. Ông bắt đầu sự nghiệp chính trị vào khoảng giữa những năm 80 của thế kỷ trước, trải qua nhiều vị trí lãnh đạo cấp địa phương và đắc cử Tổng thống hồi năm 2003.

Dấu ấn nổi bật trong nhiệm kỳ tổng thống của ông Kirchner là việc thanh toán toàn bộ nợ với Quỹ Tiền tệ quốc tế (khoảng 9,5 tỷ USD) cùng quyết sách hiệu quả giúp phục hồi kinh tế sau cuộc khủng hoảng tài chính tồi tệ năm 2001. Nhà lãnh đạo này cũng đưa ra chiến lược bảo vệ quyền con người với việc xóa bỏ một số luật lệ và quyền miễn trừ tồn tại từ thời độc tài.

Trên bình diện quốc tế, ông Kirchner cũng được đánh giá cao khi có nhiều đóng góp quan trọng trong việc thúc đẩy hội nhập khu vực, củng cố khối Thị trường chung Nam Mỹ (MERCOSUR) và là một trong những nhân tố chính để thành lập Liên minh các quốc gia Nam Mỹ (UNASUR), tổ chức có uy tín trong giải quyết các cuộc khủng hoảng ở khu vực.

Sau khi trao quyền cho người kế nhiệm và cũng là vợ ông, bà Cristina Fernández, hồi năm 2007, ông Kirchner đóng vai trò hoạch định chiến lược và tổ chức của đảng Công lý cầm quyền, tiếp tục là nhà lãnh đạo có uy tín và ảnh hưởng hàng đầu tại Argentina./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục