Tính giá xăng dầu: Không nên nhầm lẫn khái niệm

Theo Thứ trưởng Công thương Nguyễn Cẩm Tú, xăng và dầu tuy có cùng gốc nhưng là hai sản phẩm khác nhau, không nên nhầm lẫn.
Trao đổi với Vietnam+ bên lề cuộc tọa đàm về điều hành giá xăng dầu do Cổng thông tin Chính phủ tổ chức ngày 24/3, Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Cẩm Tú cho biết: Trong thời điểm hiện nay, mục tiêu chống lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô là ưu tiên hàng đầu, do vậy không riêng gì xăng dầu mà các mặt hàng khác đều phải xem xét mức độ ảnh hưởng trước khi có quyết định tăng giá.

Xung quanh việc công bố giá xăng dầu của Petrolimex, ông Tú cũng cho rằng nên nhìn nhận vấn đề một cách đúng đắn, không nên có sự nhầm lẫn giữa xăng và dầu trong cách tính giá.

- Có ý kiến cho rằng, việc công bố giá cơ sở của Tổng Công ty Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) là dọn đường cho việc tăng giá bán sau này, vậy ý kiến của Thứ trưởng ra sao?

Thứ trưởng Nguyễn Cẩm Tú: Chúng ta hay nhầm lẫn hai khái niệm xăng với dầu. Tuy có cùng nguồn gốc nhưng đây là hai thứ khác nhau. Lấy xăng làm ví dụ, khi Nghị định 84/CP có hiệu lực, thì mặt hàng xăng chỉ điều chỉnh 3 lần.

Ví dụ: Nếu lấy ngày 15/12/2009 làm mốc, giá bình quân 30 ngày trước đó là 79,576 USD/thùng thì ngày 14/1/2010 tăng giá lần đầu, với giá bình quân 30 ngày là 82,026/thùng. Như vậy, trong khi giá xăng thế giới khi đó tăng 3%, doanh nghiệp tăng từ 15.950-16.400 là chỉ tăng 2,8%. Tương tự như vậy đối với thời điểm từ 14-24/1, giá thế giới tăng 3,9%, giá xăng dầu trong nước chỉ tăng 3,6%.

Dư luận cho rằng tăng giá cao hơn giá thế giới là không đúng do hiểu sai về phương pháp tính. Chúng ta tính giá là giá bình quân trong 30 ngày. Còn việc lấy giá một thời điểm cụ thể là không chính xác.

- Nhiều ý kiến cho rằng việc trích 300 đồng/lít vào Quỹ bình ổn giá xăng dầu như hiện nay là quá lớn, ông đánh giá như thế nào về vấn đề này?

Thứ trưởng Nguyễn Cẩm Tú: Quỹ bình ổn là một công cụ quan trọng để bình ổn giá thị trường đối với xăng dầu khi có những biến động lớn. Nên nhớ rằng chúng ta có lợi ích nhỏ và những lợi ích lớn, đôi khi những lợi ích nhỏ lại mâu thuẫn với lợi ích lớn, tùy từng thời điểm mà có những ưu tiên cho những lợi ích khác nhau.

Giai đoạn hiện nay, khi nhiều yếu tố kinh tế xã hội còn nhiều biến động thì quan trọng hơn cả là ổn định kinh tế vĩ mô. Nhằm đạt được mục tiêu này thì phải tránh được những cơn sốc lớn về giá cả đặc biệt là những mặt hàng có biến động lớn như xăng dầu, do đó chúng ta phải có quĩ bình ổn giá xăng dầu.

Tất nhiên, chúng ta không thể cho quỹ bình ổn tăng lên mức vô cùng được vì Quỹ bình ổn chỉ nhằm mục đích tiết kiệm hôm nay và phòng cho những khi “ốm đau”. Hiện tại số tiền trong Quỹ bình ổn xăng dầu vào khoảng 1.300 tỷ đồng và việc chúng ta mới vận hành trong điều kiện nền kinh tế vĩ mô còn chứa đựng nhiều yếu tố có thể tác động thì theo tôi đặt vấn đề đó ra là quá sớm, còn thời điểm khác đặt ra có thể sẽ phù hợp hơn.

- Thưa Thứ trưởng, có quan điểm cho rằng việc điều chỉnh giá xăng dầu vào những thời điểm nhạy cảm (Tết, lễ...) dễ gây ra tâm lý không tốt cho người tiêu dùng. Vậy quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

Thứ trưởng Nguyễn Cẩm Tú: Chúng ta phải nhìn nhận vấn đề một cách tổng thể. Trong nền kinh tế thị trường thì thị trường quyết định giá, doanh nghiệp có quyền thay đổi giá theo tín hiệu thị trường. Tất nhiên, trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa thì có sự điều tiết của nhà nước. Đứng ở góc độ này, thì sẽ thấy các lần tăng giá xăng dầu vừa qua là đúng quy trình và đúng mức độ cho phép.

Tuy nhiên, người dân chưa thực sự quen với việc xác định giá theo thị trường, đặc biệt là giá xăng dầu được giữ rất lâu và tự do hóa theo lộ trình chậm hơn các mặt hàng khác.

Nhưng chúng ta sẽ phải làm quen với việc điều chỉnh này. Trong một năm, có rất nhiều thời điểm được đánh giá là nhạy cảm, sau Tết sẽ đến các ngày lễ, chẳng hạn như ngày 8/3, rồi 30/4… Như vậy, chúng ta không thể lấy điều này để ngăn cản các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh một cách hợp pháp và thu lợi nhuận một cách hợp pháp.

Nói về xăng dầu thì đúng là mặt hàng nhạy cảm, nhưng trong nền kinh tế của chúng ta không chỉ có xăng dầu là nhạy cảm. Tôi xin lấy ví dụ là gạo. Nếu không có gạo ăn thì tác động cũng rất lớn, nhưng chúng ta đã quen dần với giá gạo theo thị trường từ lâu, chúng ta không cảm thấy sốc. Và chúng ta phải quen với giá xăng dầu như giá gạo.

Thứ hai, là chuyện tăng hay giảm có hợp lý không thì nhìn vào biểu đồ thì giá xăng dầu thế giới hầu như chỉ tăng, có giảm thì chỉ giảm cục bộ rất ngắn hạn. Cụ thể, ngày 15/12, giá bình quân 30 ngày cho tới ngày đó là 79,576 USD/thùng, tới ngày 14/1 là 82,026 USD/thùng, tới 24/1 là  82,214 USD/thùng. Đó là cơ sở cơ bản của việc tăng giá.

Thứ ba, điều quan trọng là đừng cho những mặt hàng quan trọng tăng giá đột ngột, bởi đó mới tác động lớn đến nền kinh tế. Còn những lần tăng giá thông thường này thì không tác động nhiều như thế.

Để giải quyết vấn đề này, Nghị định 84 đã quy định tăng dưới 7% doanh nghiệp có quyền tăng giá và báo cáo sau, tăng từ 7 đến 12% thì doanh nghiệp được quyền tăng giá bán lẻ 7%, cộng thêm 60% của mức tăng từ 7-12%. Khoản lỗ 40% còn lại, doanh nghiệp sẽ được quyền sử dụng Quỹ bình ổn giá để bù đắp theo hướng dẫn của Bộ Tài chính. Và trường hợp giá thế giới tăng trên 12% thì giá xăng dầu trong nước hoàn toàn do Nhà nước quyết định.

Chúng ta đừng lấy những sự tăng giá nho nhỏ để nói là có tác động lớn, mà quên rằng những lần điều chỉnh lớn đã được nhà nước điều tiết.

- Xin cảm ơn Thứ trưởng./.

Đức Duy (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục