Thái Lan đặt 38 triệu euro để chuộc máy bay bị giữ

Chính phủ Thái Lan đã đặt khoản tiền bảo lãnh 38 triệu euro để phóng thích chiếc máy bay của Thái tử Thái Lan bị giữ ở sân bay Munich.
Cựu Thủ tướng Thái Lan Abhisit Vejjajiva vừa cho biết sau khi Chính phủ Thái đặt khoản tiền bảo lãnh trị giá 38 triệu euro, một tòa án ở Đức đã đồng ý phóng thích chiếc máy bay Boeing 737 của Thái tử Thái Lan vốn bị tạm giữ tại sân bay Munich tháng trước sau một cuộc tranh chấp thương mại kéo dài.

Ông Chavanond Intarakomalyasut, thư ký của cựu Ngoại trưởng Thái Lan Kasit Piromya đã xác nhận thông tin trên.

Ông cho biết tòa án Đức đưa ra quyết định sau khi Chính phủ Thái đặt tiền bảo lãnh nói trên và họ không có quyền tiếp tục giữ máy bay đó.

Chiếc máy bay Boeing 737 kể trên đã bị tạm giữ tại sân bay Munich (miền Nam Đức) ngày 11/7 để buộc Chính phủ Thái phải bồi thường cho một công ty xây dựng của Đức, hiện đã phá sản. Giới chức Thái Lan cho biết chiếc máy bay bị tạm giữ thuộc sở hữu của Thái tử Vajiralongkorn, con trai Quốc vương Bhumibol Adulyadej và là người thường xuyên tới Đức, chứ không thuộc sở hữu của chính phủ.

Trước đó, Thái tử Vajiralongkorn đã đồng ý chi tiền túi nộp bảo lãnh để lấy lại chiếc máy bay, nhưng ông Abhisit nói vụ việc đó là một vấn đề dân sự và chính phủ sẽ trả các chi phí.

Nhằm giải quyết vụ tranh chấp thương mại kéo dài giữa Thái Lan với một công ty xây dựng của Đức, ông Kasit Piromya đã phải bay gấp sang Đức và cho rằng việc thu giữ chiếc máy bay đó là một “sự nhầm lẫn to lớn có thể sẽ ảnh hưởng tới tình cảm của người dân Thái đối với Đức, do tài sản đó liên quan đến Hoàng gia, nếu việc giải quyết vụ đó kéo dài.”

Trong bối cảnh nhiều người quan ngại về khả năng quan hệ với Thái Lan sẽ xấu đi, Chính phủ Đức nói rằng họ lấy làm tiếc về vụ việc này nhưng nhấn mạnh không thể làm gì hơn vì đó là vấn đề liên quan đến quyết định của tòa án.

Khi bắt giữ chiếc máy bay đó, nhà quản lý và xử lý vấn đề phá sản của Walter Bau nói họ đã cố gắng trong nhiều năm để đòi thanh toán số tiền lên tới 30 triệu euro, nhưng phía Thái Lan vẫn phớt lờ và muốn kéo dài thời gian. Vì thế biện pháp trên được xem như là phương cách cơ bản cuối cùng đối với việc vi phạm hợp đồng của Chính phủ Thái.

Vụ việc trên diễn ra cách đây trên 20 năm khi Dywidag, doanh nghiệp vốn đã sáp nhập với công ty xây dựng Walter Bau AG năm 2001, tham gia xây dựng tuyến đường nối quận Dindaeng với sân bay Don Mueang ở thủ đô Thái Lan. Walter Bau lên tiếng đòi bồi thường thiệt hại vào năm 2007./.

Ngọc Tiến/Bangkok (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục