Sáu tháng đầu năm, tăng trưởng kinh tế trên 6%

Sáu tháng đầu năm, tất cả các ngành, lĩnh vực đều đạt tốc độ tăng trưởng cao, trong đó tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 6 đến 6,1%.
Phát biểu tại cuộc họp giao ban của Bộ Kế hoạch và Đầu tư sáu tháng đầu năm được tổ chức tại Hà Nội, ngày 24/6, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Văn Trung cho biết sáu tháng đầu năm nay, kinh tế tiếp tục phục hồi khá nhanh. Tất cả các ngành, lĩnh vực đều đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn tốc độ tăng cùng kỳ năm trước.

Ước sáu tháng đầu năm, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) đạt khoảng 6-6,1% (quý 1 tăng 5,83%, quý 2 tăng khoảng 6,2-6,4%); trong đó, khu vực nông lâm thủy sản tăng 2,7-3,2%; công nghiệp và xây dựng tăng 6-6,7%, dịch vụ tăng 6,8-7,2%.

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính chung sáu tháng đầu năm, giá trị sản xuất công nghiệp ước đạt 366,8 nghìn tỷ đồng, tăng 13,8% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, khu vực kinh tế ngoài nhà nước tăng 12,6%, chiếm tỷ trọng 35,5% toàn ngành; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 17,5%, chiếm tỷ trọng 42% toàn ngành.

Các sản phẩm đạt mức tăng trưởng cao hơn mức tăng trưởng chung của toàn ngành là điện sản xuất tăng 15,5%; khí đốt thiên nhiên dạng khí tăng 16,5%; khí hóa lỏng tăng 94,5% (do có thêm sản phẩm của nhà máy lọc dầu Dung Quất); điều hòa nhiệt độ tăng 27,2%; vật liệu xây dựng như kính tăng 30,3%; gạch xây bằng đất nung 14,4%, xe máy tăng 29,8% so với cùng kỳ năm 2009.

Nhận xét về tăng trưởng công nghiệp sáu tháng đầu năm, các chuyên gia kinh tế cho biết tốc độ tăng trưởng đạt cao hơn mức kế hoạch năm 2010; trong đó, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài chiếm tỷ trọng ngày càng cao và có tốc độ tăng cao, khu vực ngoài nhà nước có mức tăng cao hơn kế hoạch toàn ngành (12%) nhưng thấp hơn tăng trưởng chung ngành công nghiệp (13,8%), trong khi khu vực kinh tế nhà nước có tốc độ tăng thấp hơn mức kế hoạch toàn ngành.

Các sản phẩm có tốc độ tăng trưởng cao bao gồm năng lượng, các sản phẩm phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu, vật liệu xây dựng và cơ khí ôtô.

Cùng với sự phục hồi của kinh tế thế giới, giá cả nhiều mặt hàng xuất khẩu được cải thiện góp phần vào sự tăng trưởng xuất khẩu của sáu tháng đầu năm. Tính đến hết tháng Sáu, ước tính có 9 mặt hàng xuất khẩu có kim ngạch trên 1 tỷ USD là thủy sản, gạo, dầu thô, gỗ và sản phẩm gỗ, dệt may, giày dép, máy móc thiết bị phụ tùng, điện tử và máy tính, đá quý, kim loại quý và sản phẩm.

Các thị trường xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam là Mỹ, ASEAN, EU, Nhật Bản, Trung Quốc.

Kim ngạch xuất khẩu sáu tháng đầu năm ước đạt 32,1 tỷ USD, tăng 15,7%, trong đó kim ngạch xuất khẩu của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (không kể dầu thô) đạt 14,6 tỷ USD, tăng 39,5% so với cùng kỳ năm 2009.

Trong sáu tháng qua, kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam ước đạt 38,9 tỷ USD, tăng hơn 29% so với cùng kỳ năm ngoái. Ước nhập siêu tháng Sáu là 1,2 tỷ USD, chiếm 20% kim ngạch xuất khẩu.

Kinh tế phục hồi nên tổng mức bán lẻ sáu tháng qua có mức tăng khá cao 26,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Bên cạnh đó, đầu tư phát triển tiếp tục có chuyển biến tích cực.

Tổng vốn đầu tư toàn xã hội sáu tháng đầu năm ước đạt 337.000 tỷ đồng, bằng 43,5% GDP, trong đó vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước đạt 51.000 tỷ đồng, bằng 47% so với kế hoạch năm, trái phiếu Chính phủ đạt 21.000 tỷ đồng.

Cuộc họp đã lắng nghe các ý kiến của các bộ, ngành và địa phương về các hiệu quả tích cực của các giải pháp kích cầu đầu tư và tiêu dùng của Chính phủ cũng như những vấn đề còn khó khăn và hạn chế trong việc thực hiện kế hoạch đầu tư từ nguồn vốn ngân sách cũng như các chương trình dự án thuộc các nguồn vốn khác.

Theo đánh giá chung, việc giải ngân các nguồn vốn vẫn chậm so với kế hoạch và đây là một trong những trọng tâm cần phải nỗ lực đẩy mạnh hơn nữa trong sáu tháng cuối năm; cùng với đó là quan tâm xử lý những khó khăn làm ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh và đời sống nhân dân trên địa bàn.

Tại cuộc họp, các bộ, ngành và địa phương đã nhấn mạnh tới một số giải pháp cần thực hiện trong thời gian tới, trong đó có việc tập trung vào một số giải pháp thúc đẩy sản xuất và giải ngân kế hoạch đầu tư xây dựng cơ bản thuộc các nguồn vốn nhà nước (ngân sách nhà nước, trái phiếu Chính phủ, tín dụng ưu đãi nhà nước...).

Các giải pháp nhằm tiếp tục thu hút và đẩy nhanh tiến độ giải ngân các nguồn vốn FDI và ODA, đẩy nhanh thực hiện các dự án quan trọng cấp bách, các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng, các dự án có giá trị xuất khẩu lớn, những dự án giải quyết nhiều việc làm./.

Thúy Hiền (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục