Đồng bộ hóa quá trình đổi mới kế hoạch ở Việt Nam

Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) đã giới thiệu Đề án đổi mới kế hoạch ở các cấp nhằm thảo luận, lấy ý kiến đóng góp.
Sáng 28/6, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM)-Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tổ chức hội thảo giới thiệu Đề án đổi mới kế hoạch ở các cấp nhằm thảo luận, lấy ý kiến đóng góp để hoàn thiện Đề án trình Chính phủ.

Tại hội thảo, nhiều ý kiến đánh giá việc xây dựng đề án đổi mới kế hoạch ở Việt Nam là thực sự cần thiết, phù hợp, giúp các nhà hoạch định chính sách có cái nhìn rõ hơn và cụ thể hơn, từ đó có các giải pháp, biện pháp đồng bộ hóa quá trình đổi mới kế hoạch.

Phát biểu tại hội thảo, ông Trần Xuân Lịch, Phó Viện trưởng CIEM đánh giá thời gian qua, công tác kế hoạch ở các cấp, bộ, ngành còn bộc lộ nhiều khiếm khuyết, đây chính là thách thức lớn đối với nền kinh tế. Ông hy vọng đề án này sớm được phê duyệt nhằm nâng cao hiệu quả của công cụ kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội.

Ông Lê Viết Thái, Trưởng ban Thể chế kinh tế-CIEM cho biết hiện nay, công tác kế hoạch vẫn còn những hạn chế như nội dung kế hoạch các cấp chưa phản ánh được quá trình phân cấp nhiệm vụ; hệ thống chỉ tiêu còn nhiều bất hợp lý (khó xác định, khó thu thập, không rõ ràng...). Không những thế, quan hệ giữa kế hoạch và ngân sách còn yếu...

Tại hội thảo, các đại biểu đã đưa ra một số giải pháp nhằm đổi mới công tác kế hoạch như chú trọng hơn các dịch vụ công, đặc biệt trong hỗ trợ sản xuất, y tế, giáo dục và môi trường; xác định rõ ràng thứ tự ưu tiên giữa các mục tiêu; tăng cường sự liên kết giữa kế hoạch và ngân sách; đồng thời xác định rõ các giải pháp thu hút nguồn lực bên ngoài.

Các chuyên gia kinh tế cũng cho rằng để đổi mới công tác kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, trước mắt chúng ta cần xác định cụ thể, rõ ràng vai trò, chức năng và nhiệm vụ của Nhà nước trong nền kinh tế thị trường; đưa những nội dung cam kết hội nhập vào kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội.

Ngoài ra, việc đảm bảo tính tương quan giữa phát triển kinh tế với tiến bộ và công bằng xã hội, bảo vệ môi trường; kết hợp chặt chẽ giữa kế hoạch phát triển ngành với kế hoạch phát triển vùng, lãnh thổ cũng rất cần thiết.../.

Thúy Hiền (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục