Vị bác sĩ nâng bước cho những đôi chân khuyết tật

Không trực tiếp tham gia chiến đấu, nhưng Đại tá, giáo sư Nguyễn Văn Nhân đã góp một phần xóa đi những đau thương của cuộc chiến.
Ba mươi năm di chuyển bằng đôi chân tật nguyền do di chứng của bệnh bại liệt rồi đến một ngày anh như được sống lại khi thỏa sức chạy mà không cần đến một sự trợ giúp nào khiến nước mắt của người thanh niên 31 tuổi cứ chảy mãi.

Được nghe lại câu chuyện đầy cảm động của Dương, tên người thanh niên ở phường Bưởi, quận Ba Đình, Hà Nội trong căn phòng của vị giáo sư già, thầy thuốc nhân dân Nguyễn Văn Nhân, người được mệnh danh “Nâng niu những đôi chân Việt” khiến tôi cứ bồi hồi mãi.

Lưu giữ những kỉ niệm

Từng là đội trưởng đội phẫu thuật xưa kia của Đại đoàn 304, trở về từ chiến dịch Điện Biên Phủ, giáo sư Nguyễn Văn Nhân nằm trong số 20 bác sỹ ngoại khoa được cử đi Liên Xô cũ đào tạo. Năm 1961, ông được điều về làm Chủ nhiệm khoa Chấn thương Chỉnh hình Viện Quân Y 108, rồi Phó Viện trưởng Viện Quân Y 108.

Dáng người nhỏ nhắn cùng nụ cười thân thiện, giáo sư Nguyễn Văn Nhân tiếp tôi trong một căn hộ rộng rãi được bày biện khoa học tại chung cư Nơ 7B Linh Đàm (Hà Nội).

Phòng làm việc của ông kín đầy sách vở: sách chuyên ngành, rồi những cuốn sổ ghi chép lại kinh nghiệm chuyên môn sau mỗi ca phẫu thuật suốt quãng thời gian gần nửa thể kỷ. Những giây phút thảnh thơi, ông ngồi ngắm lại những tấm ảnh đã cũ, chụp ông và những người đồng đội sát cánh bên bàn mổ những người chiến sỹ bị thương từ chiến tranh chuyển về hậu phương cứu chữa.

Suốt 11 năm làm lãnh đạo Viên Quân Y 108, không biết bao đôi bàn chân các chiến sỹ bị thương ngoài mặt trận đã được ông cứu chữa và mỗi bước chân khi họ được lành lặn trở về là những niềm vui khôn xiết của những người đứng đằng sau chiến tuyến.

“Trong đợt ném bom ác liệt năm 1972, hàng trăm chiến sỹ bị thương nằm chờ dài phẫu thuật và phải mổ trong điều kiện thiếu thốn đủ thứ, từ thuốc giảm đau, bông, gạc, thuốc sát trùng… nhưng nỗi đau của đồng đội đổ máu nơi chiến trường càng thôi thúc ý chí người cầm kéo,” ông Nhân bồi hồi nhớ lại những ngày tháng đau thương ấy.

Không trực tiếp tham gia chiến đấu, nhưng với tấm lòng "lương y như từ mẫu" và đôi tay vàng, ông  Nhân đã góp  phần xóa đi những khoảnh khắc đau thương của cuộc chiến. Ánh mắt đỏ ngầu, giọng nói buồn bã chậm rãi, ông bồi hồi nhớ lại những giây phút của ca mổ cho anh lính binh nhì bị trúng bom ngày xưa.

Đó là tháng cuối cùng của năm 1974, giai đoạn ác liệt nhất của cuộc chiến tranh giải phóng miền Nam, một anh bộ đội bị thương nặng do sức công phá của bom B12 Mỹ ném xuống Sơn Tây, được chuyển thẳng về bện viện khi chỉ còn lại một chân gãy, vết thương hở một lỗ to như quả trứng khiến máu cứ chảy không thể nào cầm được.

Khi đưa được anh ấy vào lán mổ, ông phải cầm máu lại rồi xem xét vết thương. Trong vài phút suy nghĩ, ông đưa ra một quyết định mà có lẽ không một bác sĩ nào muốn là cắt bỏ mất đi một phần cơ thể để cứu được mạng sống của anh ta bởi thuốc nổ của bom sẽ làm nhiễm trùng vết thương ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe.

Đến bây giờ, ông vẫn nghĩ đó là quyết định khó khăn và ám ảnh ông suốt cuộc đời vì đã không giúp được anh thương binh lành lặn trở về với gia đình mà một phần thân thể đã vĩnh viễn mất đi cùng năm tháng chiến tranh.

Những đôi chân được “tái sinh”

Với lòng yêu nghề, giáo sư Nhân đã truyền đạt mọi kiến thức và sự tâm huyết ông có lại cho những lớp học trò kế tiếp. Ngoài ra, những kỉ niệm trong các ca mổ đều được ghi chép trong quyển nhật ký đã bạc màu thời gian. Cuốn sổ là những dòng bút thấm đẫm mồ hôi, nước mắt và những kỉ niệm vui buồn với nghề.

Lật từng trang nhật ký rồi dừng lại ở dòng có gạch bằng bút lông màu hồng, ông kể lại cho tôi nghe về câu chuyện người thanh niên tên Dương và cô gái tên Thi.

Anh Dương là con một người chiến sỹ từng tham gia nhiều trận đánh ác liệt nhất tại chiến trường Quảng Đà bị nhiễm chất độc từ bom Mỹ nên bị dị tật bẩm sinh, phải di chuyển bằng tay hoặc xe lăn.

Tuổi thơ Dương là những tháng ngày buồn tủi và luôn ganh tị với những đứa trẻ lành lặn khác. Chứng kiến đám bạn nô đùa, nhìn qua khe cửa sổ anh ước ao mình cũng có đủ đôi chân để có thể mặc sức chạy nhảy như thế.

Năm học cấp 2, Dương được gia đình đưa lên Viện quân y 108 chữa chạy, nhưng thời đó do công nghệ chưa phát triển nên ông Nhân đành bó tay, không thể phẫu thuật nối chi cho Dương được. Biết chuyện, thằng bé buồn rầu, khóc lóc mãi không chịu về mà đòi chữa bằng được.

Lúc đó, trong thâm tâm ông nghĩ, rồi có ngày ông sẽ trực tiếp mổ cho Dương và những đôi chân tật nguyền nghèo khó, để biến những ước mơ bay nhảy trở thành sự thực.

Năm 1980, nhờ sự phát triển của khoa học kỹ thuật mà Viện của ông là đơn vị đầu tiên trong cả nước thực hiện thành công những ca ghép xương khó nhất, cũng thời gian này ông đã thực hiện thành công ca phẫu thuật cuối cùng giúp Dương có thể tập tễnh bước đi trên chính đôi chân của mình.

“Sau hơn một năm, Dương không chỉ đi đứng được mà còn có được một hạnh phúc gia đình, điều mà chính anh cũng không ngờ đến,”  ông chỉ tay về phía kệ sách, nơi có bức ảnh một chàng trai với nụ cười rạng rỡ, tay trong tay với cô dâu. Bức ảnh mà Dương tặng cho ông như là món quà tinh thần quý giá, giúp ông kiên trì đi trên con đường y học.

Dù nghỉ hưu, nhưng tâm huyết nghề nghiệp vẫn được ông hun đúc và chia sẻ cho những đồng nghiệp. “Tôi nhận được rất nhiều thư và các cuộc điện từ các nơi đến hỏi thăm về chuyện chữa bênh. Trong thâm tâm tôi rất vui sướng, vì cảm thấy mình còn cần cho ai đó. Họ cần mình và mình sẽ có ích cho họ. Ý nghĩ ấy nó thôi thúc tôi,” ông Nhân chia sẻ.

Lá thư của Thi, một cô gái trẻ với đôi chân tật nguyền vào Thành phố Hồ Chí Minh học nghề may để tự nuôi mình và dành dụm lấy tiền phẫu thuật.

Trong thư gửi ông, em viết: “Đã từ bao năm nay, con mơ ước có một đôi chân lành lặn như bao cô gái khác, nhưng con có cảm tưởng số phận đã an bài... Người hiểu thì ít, mà người khinh rẻ thì nhiều…”

Tấm lòng của người thầy thuốc nhiều năm gắn bó với những người tật nguyền đã cho ông thấu hiểu sâu sắc mặc cảm của họ. Ông hiểu hơn ai hết: một chút tật nguyền sẽ làm thay đổi số phận của cả một con người. Và với những dòng thư động viên chân tình, ông Nhân đã  khơi dậy ý chí vượt qua khó khăn của cô gái trẻ.

Chia tay vị Đại tá già khi những cơn gió lạnh cuối chiều Đông còn sót lại, bàn tay gầy guộc, chai sạn vì thời gian của thầy thuốc Nguyễn Văn Nhân cứ nắm chặt tay tôi. Ông rưng rưng nước mắt: "Tôi chắc chẳng còn sống được bao lâu nữa. Nhưng tâm nguyện về sự nghiệp trồng người đối với tôi không bao giờ ngưng nghỉ"../.

Đức Duy (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục