Giảm bớt sự phụ thuộc

Ukraine muốn giảm bớt sự phụ thuộc khí đốt vào Nga

Ukraine đang có kế hoạch nhập khẩu từ Trung Âu khoảng 8 tỷ m3 khí đốt/năm nhằm thay thế nguồn nhiên liệu đắt đỏ nhập từ Nga.
Phó Chủ tịch Công ty khí đốt quốc gia Ukraine Naftogaz, Vadym Chuprun, vừa cho biết nước này muốn nhập khẩu từ Trung Âu khoảng 8 tỷ m3 khí đốt/năm nhằm thay thế nguồn nhiên liệu đắt đỏ nhập từ Nga và tận dụng lợi thế thị trường giao ngay có giá bán thấp hơn tại châu Âu.

Ba Lan là một trong số các quốc gia mà Ukraine đang nhắm tới để nhập khẩu khí đốt. Tại một hội nghị về năng lượng diễn ra ở Kiev, Phó Chủ tịch Chuprun cho biết tổng lượng khí đốt nhập từ Ba Lan trong năm 2013 ước đạt 1 tỷ m3 và Ukraine dự tính sẽ ký hợp đồng nhập khẩu lượng khí đốt lên tới 7 tỷ m3 đi qua Hungary và Slovakia.

Ngoài ra, Ukraine dự định sẽ cắt giảm nhập khẩu khí đốt từ Nga xuống còn khoảng 18-20 tỷ m3 trong năm 2013, so với mức ước chừng 24-25 tỷ m3 trong năm 2012.

Ukraine đang nhập khẩu khí đốt từ Nga với mức giá 430 USD/1000 m3. Trong khi hồi tháng 12/2012, Ukraine nhập khẩu 57 triệu m3 khí đốt từ công ty RWE của Đức với giá thấp hơn, chỉ 408 USD/1000 m3.

Mức chênh lệch về giá này có thể cao hơn nữa do vào năm 2009 Ukraine đã ký kết với Nga hợp đồng mua khí đốt trong 10 năm, theo đó giá khí đốt sẽ được tính dựa trên giá dầu và các chế phẩm dầu mỏ, và giá trên thị trường giao ngay ở châu Âu sụt giảm.

[Ukraine đẩy mạnh việc thăm dò và khai thác dầu khí]

Chính phủ của Tổng thống Ukraine Viktor Yanukovich đã tìm cách đàm phán lại các khoản trong hợp đồng này từ năm 2010. Tuy nhiên, Nga chưa nhượng bộ các điều khoản mới do phía Ukraine đưa ra.

Do vậy, Ukraine phải tìm kiếm thêm các nguồn khí đốt nhập khẩu từ Turkmenistan, xây dựng kho chứa khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) nhập từ vùng Vịnh và nhập khẩu nhiên liệu từ thị trường giao ngay tại châu Âu.

Simon Pirani, nhà nghiên cứu tại Viện nghiên cứu năng lượng Oxford cho biết dự án nhập khẩu LNG khá tốn kém. Ông Pirani cho rằng Ukraine sẽ gặp nhiều trở ngại trong việc nhập khẩu khí đốt từ châu Âu như vấn đề bảo quản các đường ống dẫn khí hoặc vấn đề về hợp đồng nhập khẩu khí đốt với Nga.

Mới đây, Nga đã yêu cầu Ukraine bồi thường 7 tỷ USD vì đã không nhập đủ lượng khí đốt theo quy định trong hợp đồng./.

Linh Đào (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục