Liên hợp quốc lên án cuộc đảo chính quân sự ở Mali

Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc kêu gọi khôi phục ngay lập tức trật tự hiến pháp cũng như chính phủ được bầu một cách dân chủ ở Mali.
Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc ngày 4/4 đã ra tuyên bố chủ tịch lên án cuộc đảo chính quân sự tại Mali, kêu gọi khôi phục ngay lập tức trật tự hiến pháp cũng như chính phủ được bầu ra một cách dân chủ ở nước này.

Tuyên bố chủ tịch, được Hội đồng Bảo an gồm 15 thành viên thông qua, bày tỏ ủng hộ những nỗ lực của Cộng đồng Kinh tế các quốc gia Tây Phi (ECOWAS) nhằm tìm kiếm một giải pháp cho cuộc khủng hoảng ở Mali, kêu gọi các phiến quân ngừng ngay lập tức mọi hình thức bạo lực và tất cả các đảng phái ở Mali tìm kiếm một giải pháp hòa bình thông qua đối thoại chính trị phù hợp.

Hội đồng Bảo an cũng báo động về sự hiện diện của nhóm khủng bố Al-Qaeda trong khu vực có thể tiếp tục gây bất ổn cho tình hình an ninh.

Ngay sau khi Hội đồng Bảo an ra tuyên bố, Mặt trận dân tộc giải phóng Azouad (MNLA) của lực lượng nổi dậy người Touareg đã quyết định đơn phương chấm dứt các chiến dịch quân sự bắt đầu từ 0 giờ ngày 5/4.

Trong thông báo, Tổng thư ký MNLA Bilal Ag Cherif cho biết quyết định này nhằm đáp lại lời kêu gọi của cộng đồng quốc tế.

Lực lượng nổi dậy người Touareg hiện đã chiếm giữ các thành phố quan trọng Timbuktu, Gao và Kidal ở miền Bắc. Hàng chục năm qua MNLA đã tiến hành các hoạt động nổi dậy nhằm đòi thành lập một nhà nước độc lập của người Touareg trên vùng đất bao gồm ba thành phố này.

Trong khi đó, Mặt trận thống nhất bảo vệ dân chủ (FDR) ngày 4/4 tuyên bố không tham gia hội nghị toàn quốc - do lực lượng quân sự hiện nắm chính quyền sau khi tiến hành đảo chính triệu tập vào ngày 5/4 để bàn giải pháp cho cuộc khủng hoảng. Theo FDR, một hội nghị như vậy là "trái ngược" và "không phù hợp" với việc khôi phục trật tự hiến pháp.

Việc FDR từ chối tham gia hội nghị gây khó khăn lớn đối với kế hoạch của lực lượng đảo chính đang tìm cách duy trì quyền lực một cách hợp pháp, vì FDR tập hợp hơn 40 chính đảng trong đó có đảng của Chủ tịch Quốc hội đương nhiệm Dioncounda Traoré.

Cộng đồng quốc tế cũng đang tăng sức ép đối với lực lượng đảo chính tại Mali. Ngày 2/4, ECOWAS đã áp đặt lệnh cấm vận toàn diện, đóng cửa biên giới đối với hoạt động giao thương và phong tỏa tài khoản ngân hàng của Mali tại ngân hàng khu vực. Liên minh châu Phi (AU) ngày 3/4 cũng áp đặt lệnh cấm nhập cảnh và phong tỏa tài sản các tướng lĩnh tiến hành cuộc đảo chính tại Mali.

Theo kế hoạch, một phái đoàn gồm đại diện của các nước Burkina Faso, Nigeria và Cote d'Ivoire sẽ đến thủ đô Bamako của Mali trong ngày 5/4 để thuyết phục phe đảo chính từ bỏ quyền lực./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục