ASEAN nỗ lực xây dựng cộng đồng kinh tế chung

Tiến trình xây dựng Cộng đồng Kinh tế ASEAN thuận lợi, tuy nhiên vẫn cần thêm nhiều nỗ lực của các nước để đạt mục tiêu này năm 2015.
Tiến trình xây dựng Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) đang trên đà phát triển thuận lợi, tuy nhiên vẫn cần thêm nhiều nỗ lực của các nước thành viên để hiện thực hóa mục tiêu này vào năm 2015.

Đây là nhận định trong Tuyên bố chủ tịch, đưa ra tại Hội nghị Cấp cao Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), diễn ra trong hai ngày 24 và 25/4 tại thủ đô Bandar Seri Begawan của Brunei Darussalam.

Theo Tuyên bố chủ tịch, đến nay, các nước ASEAN đã thực hiện được 77,57% nội dung trong kế hoạch thành lập AEC. Các lãnh đạo cũng nhất trí thúc đẩy cạnh tranh nội khối thông qua đẩy mạnh thương mại và đầu tư, coi đâylà đòn bẩy tích cực cho tiến trình xây dựng AEC, đồng thời đề xuất đưa ra một lộ trình thực hiện các sáng kiến hỗ trợ hoạt động thương mại và đầu tư trong khu vực.

Bộ trưởng Thương mại Philippines Gregory Domingo nêu rõ mặc dù các nước ASEAN đã vượt qua được chặng đường dài hướng tới một thị trường chung kể từ thời điểm khởi xướng - năm 2007, song phía trước vẫn còn nhiều thách thức.

Theo ông, các nước cần mở cửa hơn nữa các lĩnh vực dịch vụ như ngân hàng, bảo hiểm, viễn thông và bán lẻ; thống nhất về thủ tục hải quan và giảm bảo hộ trong nông nghiệp.

[Hội nghị Cấp cao ASEAN lần 22 khai mạc ở Brunei]

Theo thống kê chính thức, kể từ khi triển khai Kế hoạch AEC hồi tháng 11/2007, thu nhập bình quân đầu người trong khu vực đã tăng từ 2.267 USD/năm lên 3.759 USD/năm vào năm 2012.

Tổng giá trị thương mại toàn khối tăng 16,8%, từ 2.050 tỷ USD của năm 2010 lên mức 2.400 tỷ USD vào năm 2011, thương mại nội khối cũng tăng từ 520 tỷ USD lên 598 tỷ USD, tương đương 15,1% mỗi năm.

ASEAN tiếp tục là điểm đến hấp dẫn các nhà đầu tư, thu hút lượng đầu tư nước ngoài kỷ lục 114 tỷ USD trong năm 2011, tăng 23% so với năm trước đó và chiếm 7,6% tổng đầu tư trực tiếp nước ngoài của thế giới.

Được thành lập vào năm 1967, ASEAN gồm 10 quốc gia thành viên với 600 triệu dân là Brunei, Campuchia, Lào, Indonesia, Malaysia, Myanmar, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam.

Quyết định thành lập một thị trường chung ASEAN được các thành viên khởi xướng từ năm 2007 với mục tiêu tăng cường khả năng cạnh tranh về đầu tư và thương mại với các quốc gia láng giềng khổng lồ như Trung Quốc và Ấn Độ./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục