Khúc mắc chi tác quyền

Khúc mắc về chuyện chia tiền tác quyền âm nhạc

Trong bối cảnh xâm phạm bản quyền khá phổ biến thì vẫn có đơn vị thu được số tiền khá cao, nhưng phân chia đến tác giả lại gặp khó.
Tính đến thời điểm này, Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam đã ký hợp đồng hợp tác song phương với 41 tổ chức quản lý tập thể trên thế giới, có hoạt động tại gần 140 quốc gia và vùng lãnh thổ và có gần 1900 thành viên trong nước là các tác giả ký ủy thác quyền.
Phóng viên Vietnam+ đã có cuộc phỏng vấn giám đốc Trung tâm, nhạc sĩ Phó Đức Phương về một số vấn đề đang được dư luận quan tâm xung quanh việc phân phối tiền bản quyền. - Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam sẽ thực hiện phân phối tiền sử dụng tác phẩm âm nhạc thế nào? Ông có thể cho biết số tiền chưa phân phối được là do những nguyên nhân nào?
Nhạc sĩ Phó Đức Phương:
Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam phân phối tiền tác quyền 4 kỳ mỗi năm, vào đầu mỗi quý.
Lý do chưa phân phối được do các nguyên nhân như tác giả dù được mời nhiều lần nhưng chưa đến nhận, đơn vị sử dụng chưa trả tiền, đơn vị sử dụng chưa kê khai danh mục tác phẩm sử dụng, tác giả thơ chưa xác minh được địa chỉ, chủ sở hữu tác phẩm thơ… -Xin nhạc sĩ cho biết con số thu của năm gần đây nhất và số tiền đã phân phối. Dư luận quan tâm đến các nhạc sĩ “top" đầu nhận được số tiền bản quyền cao trong năm vừa qua, ông có thể tiết lộ?
Nhạc sĩ Phó Đức Phương:
Chúng tôi sẵn sàng công khai về số tiền thu và phân phối. Cụ thể như năm 2010 tổng số tiền phân phối là trên 22,8 tỷ đồng trên tống mức thu năm là 32,5 tỷ đồng.
Chúng tôi cũng sẵn sàng thông báo số tiền và tên của khoảng 10 nhạc sĩ được nhận tác quyền khoảng 200 triệu đồng một năm. Nhưng còn có quyền riêng tư của các nhạc sĩ mà chúng tôi không thể nêu tên đầy đủ. Đó là các nhạc sĩ: H.A, N.H.L. VC… 60% số tác giả nhận được tiền tác quyền cao là các nhạc sĩ trẻ vì tác phẩm của họ được dùng cho nhạc chuông, nhạc chờ nhiều. Còn có các trường hợp khó nữa là một số tác giả vì có nhiều vợ và con nên khi qua đời, chúng tôi cần xác minh quyền thừa kế thứ nhất để trao tiền. - Nếu có những thắc mắc về việc chưa nhận được tiền bản quyền thì giải quyết ra sao thưa ông?
Nhạc sĩ Phó Đức Phương: 
Đó là những tác giả đã ủy thác quyền với Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam nhưng tác phẩm ít được sử dụng nên số tiền phát sinh còn quá nhỏ từ vài ngàn đến vài chục ngàn, Trung tâm đã thông báo cho tác giả để có thể chờ nhận một lần.
Cũng có trường hợp tác phẩm được sử dụng nhưng đơn vị sử dụng chưa thực hiện nghĩa vụ xin phép và trả tiền sử dụng tác phẩm (chưa có hợp đồng với Trung tâm). Những đơn vị đã ký hợp đồng xin phép và trả tiền sử dụng với chúng tôi nhưng chưa thực hiện nghĩa vụ thanh toán hoặc chưa kê khai danh mục tác phẩm sử dụng thì Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam chưa thông báo và mời tác giả đến nhận tiền. - Ngoài ra, còn có những trường hợp nào mà Trung tâm muốn trả tiền nhưng không thực hiện được?Nhạc sĩ Phó Đức Phương: Thời gian vừa qua trên website của Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam, trên báo Văn nghệ của Hội Nhà văn Việt Nam, chúng tôi đã thông báo chính thức để tìm chủ nhân của các tác phẩm thơ, nhạc mà chúng tôi đã thu được tiền sử dụng tác phẩm nhưng chưa có địa chỉ tác giả, cũng như chưa xác định được tác phẩm có đúng là của tác giả đó hay không, vì đôi khi tên tác giả trùng nhau, tên bài thơ- nhạc đã thay đổi so với thời điểm đăng ký ban đầu khi sử dụng... Chủ trương của Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam là: luôn luôn làm tròn trách nhiệm của đơn vị được ủy thác. Thu được thì ngay lập tức “của ai trả người nấy”, nếu có tồn đọng sẽ tìm biện pháp khắc phục như vừa nêu ở trên. -Tháng trước chi nhánh phía Nam của Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam đã phải phối hợp với văn phòng Luật sư chuẩn bị các thủ tục pháp lý cần thiết để khởi kiện ra Tòa một đơn vị thiếu hợp tác thực hiện nghĩa vụ pháp luật bản quyền tác giả đối với các tác phẩm âm nhạc trong nhiều năm? Nhạc sĩ Phó Đức Phương: Đúng, Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam chi nhánh phía Nam đã chính thức thông báo việc sẽ ủy quyền cho Công ty luật VLT trực tiếp làm việc với Công ty TNHH truyền hình cáp Saigon Tourist, để yêu cầu công ty này thanh toán quyền sử dụng tác quyền đối với các tác phẩm âm nhạc trong nước và quốc tế mà Công ty TNHH truyền hình cáp Saigon Tourist “vô tư” sử dụng mà không trả tác quyền. - Bên cạnh những việc đã làm được, dường như Trung tâm vẫn chưa đạt được kỳ vọng của các tác giả như mong muốn, đâu là lý do thưa ông?
Nhạc sĩ Phó Đức Phương:
Trên thực tế, Trung tâm còn gặp rất nhiều thách thức nên chưa đạt được kỳ vọng của các tác giả.
Đó là không ít đơn vị sử dụng, khai thác tác phẩm mà luôn tìm kẽ hở của luật pháp để trốn tránh nghĩa vụ tác quyền. Để phát hiện ra đã khó, áp dụng chế tài càng khó, xã hội còn không ít người chưa nhận thức được đúng vấn đề. Xin ví dụ, có nhiều chương trình tổ chức tại Hà Nội bán vé rất cao nhưng không hề xin phép và trả tiền bản quyền cho các nhạc sĩ. Khi nào một ca sĩ sắp biểu diễn mà có nhạc sĩ bước lên sân khấu không cho hát bài của mình, thì khi ấy tình hình có thể sẽ khác... Về phía Trung tâm, chúng tôi không thể khoanh tay chờ đợi việc sửa đổi luật vốn có lộ trình không thể gấp gáp, trong khi các nhạc sĩ đang bị xâm phạm quyền lợi từng ngày từng giờ và rất ngang nhiên. Việc chỉ cấp phép biểu diễn khi nhà tổ chức đã trả tiền bản quyền là việc cần làm ngay. Việc Trung tâm toàn "theo sau" các chương trình đã diễn ra luôn rất gian nan và không hiệu quả. - Xin trân trọng cảm ơn ông!
                                                      Một vài con số
     Năm 2002: Tổng số tiền thu phí bản quyền là 78.000.000 đồng
     Năm 2010: Tổng số tiền thu phí bản quyền là 32.561.577.360 đồng

     Năm 2002: Số nhạc sỹ ký hợp đồng ủy thác là 274 người.
     Năm 2011 (đến 31/05): Số nhạc sỹ ký hợp đồng ủy thác là 1827 người.
Nguyễn Anh (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục