Ngành giáo dục cấp bách phòng chống cúm A/H1N1

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân nêu rõ phòng chống dịch cúm A/H1N1 là một nhiệm vụ mới, đột xuất, cấp bách chưa từng có trong ngành giáo dục.
Ngày 24/7, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, Bộ trưởng Bộ Giáo dục-Đào tạo nêu rõ phòng chống dịch cúm A/H1N1 là một nhiệm vụ mới, đột xuất, cấp bách chưa từng có trong ngành giáo dục.

Chủ trì Hội nghị Tổng kết năm học 2008 - 2009 và triển khai nhiệm vụ năm học 2009 - 2010, Phó  thủ tướng yêu cầu  mỗi học sinh, sinh viên, mỗi thầy cô giáo, mỗi nhà trường sẵn sàng tự phòng ngừa và phòng chống dịch cúm A/H1N1.

Các nhà trường cần triển khai biện pháp phòng ngừa cho học sinh, thầy cô giáo. Trường học nào chưa sẵn sàng chuẩn bị điều kiện phòng dịch thì sẽ không được phép khai giảng năm học.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu trong năm học 2009 - 2010, mỗi thầy cô giáo và học sinh phải tự đổi mới trong phương pháp dạy và học, quản lý nhà trường.

Chủ trì Hội nghị Tổng kết năm học 2008 - 2009 và triển khai nhiệm vụ năm học 2009 - 2010 với chủ đề “Năm học đổi mới quản lý và nâng cao chất lượng giáo dục”, do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức ngày 24/7, tại thành phố Đà Nẵng, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân yêu cầu trong năm học mới, Sở Giáo dục-Đào tạo các tỉnh, thành cần rà soát lại kết quả đạt được của cuộc vận động “Hai không” và thực hiện cho thật tốt.

Trong năm học 2009 - 2010, Bộ Giáo dục-Đào tạo đã đề ra 7 nhiệm vụ trọng tâm, trong đó tiếp tục thực hiện ba cuộc vận động và phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” trong ngành nhằm nâng cao chất lượng giáo dục, đặc biệt là giáo dục đạo đức, nhân cách và kỹ năng sống cho học sinh; đổi mới quản lý giáo dục; triển khai đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục.

Ngành tiếp tục phát triển mạng lưới trường, lớp và tăng cường cơ sở vật chất, thiết bị giáo dục; chăm lo và đầu tư cho phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục.

Ngành đánh giá toàn diện kết quả thực hiện Chiến lược phát triển giáo dục 2001 - 2010 và xây dựng Chiến lược phát triển giáo dục 2011 - 2020, triển khai thực hiện các đề án phát triển giáo dục; thực hiện một số nhiệm vụ đặc thù về giáo dục các bậc học.

Đánh giá chung về năm học 2008 - 2009, Bộ Giáo dục-Đào tạo đã chỉ ra năm kết quả nổi bật là: công tác chỉ đạo của Bộ Giáo dục-Đào tạo đã tập trung lựa chọn giải quyết những vấn đề then chốt, bám sát thực tiễn, đề ra các giải pháp cụ thể quyết tâm; thông qua ba cuộc vận động và phong trào thi đua của ngành giáo dục, về tổng thể chất lượng giáo dục đã được nâng cao hơn; cơ sở vật chất giáo dục đã tiếp tục được cải thiện; năm học này đã tạo ra được những tiền đề mới cho phát triển giáo dục ở giai đoạn sau.

Năm yếu kém được Bộ Giáo dục-Đào tạo chỉ ra là: chất lượng giáo dục còn thấp, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước; quản lý hệ thống giáo dục còn nhiều bất cập, hạn chế hiệu quả và chất lượng giáo dục; kết quả về đổi mới phương pháp dạy và học vẫn còn hạn chế, vẫn còn phổ biến tình trạng dạy theo cách “đọc chép“.

Tình trạng thiếu, thừa giáo viên ở các cấp học đã kéo dài nhiều năm, Bộ chưa chỉ đạo giải quyết có kết quả, phương pháp và chất lượng đào tạo giáo viên chưa theo kịp yêu cầu đổi mới giáo dục; cơ sở vật chất kỹ thuật nhà trường ở nhiều địa phương vẫn còn thiếu thốn và lạc hậu./.
(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục