Hơn 12 triệu euro đầu tư cho ngành du lịch Việt Nam

Dự án “Chương trình phát triển năng lực du lịch có trách nhiệm với môi trường và xã hội” do EU tài trợ 11 triệu Euro, vốn đối ứng là 1,1 triệu euro.
Ngày 29/2, tại Đà Nẵng, Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đã tổ chức Hội thảo với chủ đề thực hiện Luật Du lịch và Phát triển hệ thống tiêu chuẩn kỹ năng nghề du lịch Việt Nam (VTOS) với sự tham gia của lãnh đạo các Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các Trung tâm đào tạo đội ngũ nhân viên phục vụ ngành du lịch... thuộc khu vực miền Trung-Tây Nguyên.

Đây là hoạt động trong khuôn khổ Dự án “Chương trình phát triển năng lực du lịch có trách nhiệm với môi trường và xã hội” (Dự án ESRT) do Liên minh châu Âu (EU) tài trợ 11 triệu euro, Chính phủ Việt Nam 1,1 triệu euro.

Tại hội thảo, nhiều ý kiến cho rằng, hiện nay các cá nhân, tổ chức làm trong lĩnh vực du lịch chưa thực sự nắm rõ Luật Du lịch, cũng như các tiêu chuẩn kỹ năng nghề du lịch. Do đó, cần phải bổ sung, hoàn thiện Luật Du lịch sao cho phù hợp với hoàn cảnh hiện tại và tương lai để thúc đẩy hoạt động du lịch Việt Nam phát triển, nhất là từ khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

Muốn vậy, cần hoàn thiện khung pháp lý liên quan đến các lĩnh vực du lịch bền vững, có trách nhiệm; đề xuất những cơ sở pháp lý về bảo vệ quyền lợi của khách du lịch; cung cấp, phổ biến những tiêu chuẩn, kỹ năng mới, nhằm đẩy mạnh việc áp dụng tiêu chuẩn kỹ năng nghề du lịch trong các cơ sở đào tạo, cũng như hướng đến các đối tượng khó khăn ở miền núi và các vùng chưa được tiếp cận hệ thống tiêu chuẩn nghề trong những năm qua.

Hoạt động của Dự án ESRT nhằm thúc đẩy dịch vụ du lịch có trách nhiệm với môi trường và xã hội như một phần của Chiến lược phát triển ngành du lịch Việt Nam. Dự án kéo dài từ năm 2011-2015 với các hoạt động chính là: hỗ trợ chính sách và tăng cường thể chế; năng lực cạnh tranh của sản phẩm và quan hệ đối tác công tư; giáo dục và đào tạo nghề trong ngành du lịch.

Hệ thống tiêu chuẩn kỹ năng nghề du lịch Việt Nam (VTOS) sẽ góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch bằng cách giới thiệu các tiêu chuẩn kỹ năng tương đương tiêu chuẩn quốc tế. Hiện tại, hệ thống VTOS đã có 14 trung tâm thẩm định, 57 trung tâm đánh giá với 2.600 đào tạo viên của 644 đơn vị thông qua sự quản lý của Hội đồng cấp chứng chỉ nghiệp vụ Du lịch Việt Nam (VTCB)./.

Khánh Hương (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục