Chỉ dẫn địa lý để bảo hộ các sản phẩm truyền thống

Chỉ dẫn nguồn gốc địa lý, thực hiện hướng dẫn bảo hộ sản phẩm góp phần làm tăng giá trị xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường EU.
Ngày 22/4, tại Hà Nội, Phái đoàn Liên minh châu Âu (EU) tại Việt Nam tổ chức hội thảo về Chỉ dẫn địa lý (GIs) với sự tham gia của đông đảo các nhà quản lý, người làm công tác chỉ dẫn địa lý, nhà sản xuất, Hiệp hội, đại diện các khu vực có chỉ dẫn địa lý và chuyên gia quốc tế trong lĩnh vực này.

Phát biểu chào mừng tại hội thảo, Đại sứ, Trưởng Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam Franz Jessen nhấn mạnh Hiệp định tự do thương mại Việt Nam-EU sẽ khuyến khích các nhà sản xuất có chỉ dẫn địa lý của Việt Nam đăng ký để được bảo hộ trực tiếp các sản phẩm truyền thống của mình tại Liên minh châu Âu thông qua Hiệp định này. Điều đó sẽ tạo thuận lợi cho việc quảng bá các sản phẩm đó tại thị trường quốc tế.

Những năm qua, nhiều sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam cung cấp vào thị trường EU (chiếm tới 18% sản phẩm xuất khẩu nông sản), trong đó có một số mặt hàng nổi tiếng như chè, càphê, sản phẩm mây tre đan, thủy sản, hải sản.

Trưởng Phái đoàn EU Franz Jessen cho biết, trong thời gian tới EU tiếp tục nỗ lực hỗ trợ Việt Nam xây dựng các giải pháp, chia sẻ các cơ sở pháp lý về bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp đối với các chỉ dẫn nguồn gốc địa lý, thực hiện hướng dẫn bảo hộ sản phẩm vào thị trường EU, góp phần làm tăng giá trị xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường này.

Trình bày về hệ thống GIs của Việt Nam và hiện trạng đăng ký quyền sở hữu công nghiệp đối với các chỉ dẫn nguồn gốc địa lý, ông Lưu Đức Thanh, Trưởng phòng chỉ dẫn địa lý, Cục sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết Văn bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý là Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý ghi nhận các tổ chức, cá nhân có quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý.

Chỉ dẫn địa lý được bảo hộ có tính chất đặc thù về điều kiện địa lý của sản phẩm như các sản phẩm tự nhiên, nông nghiệp, đồ ăn, đồ uống, thủ công mỹ nghệ, sản phẩm công nghiệp.

Theo số liệu thống kê của Cục sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ), tính đến tháng 6/2012, cả nước có 35 chỉ dẫn địa lý đã đăng ký với các sản phẩm như nước mắm Phú Quốc, Shan tuyết Mộc Châu Tea, Càphê Buôn Ma Thuột, Bưởi Đoan Hùng, Thanh Long Bình Thuận, Hồi Lạng Sơn, Gạo tám xoan Hải Hậu, Vải thiều Thanh Hà... Việt Nam còn có tới trên 1.000 sản phẩm có thể phát triển làm sản phẩm đăng ký chỉ dẫn địa lý.

Nhấn mạnh đến lợi ích của hệ thống chỉ dẫn địa lý, ông Laurent Lourdais, Chuyên gia tư vấn Tổng cục Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Ủy ban châu Âu cho rằng sản phẩm có chỉ dẫn địa lý liên kết với các phong tục truyền thống, thừa hưởng danh tiếng của địa phương, quốc gia. Sản phẩm này không phải là sản phẩm được sáng tạo mới, mà là sản phẩm được thừa nhận. Nhãn chỉ dẫn địa lý khẳng định giá trị của một sản phẩm đã có sẵn và độc nhất.

Đặc biệt, chỉ dẫn địa lý góp phần bảo vệ tên cho các sản phẩm có giá trị, duy trì và nâng cao các tiêu chuẩn thông qua một nguyên tắc tập trung, có giá cao hoặc duy trì được giá, góp phần cạnh tranh bình đẳng. Đối với người tiêu dùng, chỉ dẫn địa lý sẽ đảm bảo chất lượng, nguồn gốc và tính riêng biệt của sản phẩm.

Nhìn chung các sản phẩm chỉ dẫn địa lý được bảo hộ có giá bán cao hơn so với các sản phẩm cùng loại không có chỉ dẫn địa lý.

Thực tế cho thấy, các chương trình bảo hộ có tác động kinh tế-xã hội tích cực và quan trọng đối với nhiều vùng nông nghiệp và nông thôn xa xôi, nơi phần lớn các sản phẩm này được sản xuất và chế biến.

Chia sẻ những kinh nghiệm về xây dựng Chiến lược quảng bá cho hệ thống chỉ dẫn địa lý ở EU, ông Laurent Lourdais cho rằng, khi xây dựng Chiến lược quảng bá về vấn đề này cần chú ý đến các yếu tố GIs là công cụ để chống lại hàng giả, gian lận thương mại, củng cố và bảo vệ các thị trường hiện tại.

Bên cạnh đó, GIs không phải là giải pháp mở ra mọi cánh cửa cũng như không giải quyết tất cả các vấn đề. Nhưng xét về khía cạnh pháp lý, bảo hộ chỉ dẫn địa lý có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, bởi nó có khả năng ngăn cấm những người không có thẩm quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý hoặc đối với những sản phẩm không có nguồn gốc tới khu vực địa lý đã nêu hoặc loại trừ những mặt hàng thuộc cùng một khu vực địa lý, nhưng sản phẩm không đáp ứng được yêu cầu về chất lượng. Mặt khác, bảo hộ chỉ dẫn địa lý để chúng không trở thành tên gọi chung, với các hàng hóa thông thường khác.

Hội thảo này mở đầu cho một tuần lễ với nhiều hoạt động trong khuôn khổ chiến dịch "Hương vị châu Âu," bao gồm hội thảo tổ chức tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh về Triển lãm Thực phẩm và Khách sạn Việt Nam 2013 trong ba ngày từ 24-26/4./.

Nguyễn Hồng Điệp (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục