Tây Nguyên: Diện tích, năng suất điều ngày càng giảm

Năng suất điều ở Tây Nguyên ngày càng thấp do cây điều chủ yếu trồng ở những vùng đất xấu, thiếu nước tưới, thiếu đầu tư chăm sóc.
Do năng suất điều thấp, giá thu mua ngày càng giảm, đồng bào dân tộc ở các tỉnh Tây Nguyên đã bắt đầu chặt phá điều chuyển sang trồng các loại cây trồng khác mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn.

Theo Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, hiện nay, các tỉnh Tây Nguyên đang bước vào vụ thu hoạch điều. Qua khảo sát, năng suất điều năm nay của các tỉnh trong khu vực này rất thấp, chỉ đạt từ 3-8 tạ điều nhân/ha. Thậm chí, nhiều vùng chuyên canh cây điều của các tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông chỉ đạt 2-3 tạ điều nhân/ha, đồng bào không muốn thu hoạch.

Trong khi đó, giá thu mua đang giảm xuống chỉ còn 16.000 đến 19.000 đồng/kg, khiến đời sống người trồng điều gặp nhiều khó khăn.

Năng suất điều ở Tây Nguyên ngày càng thấp là do các tỉnh Tây Nguyên đưa cây điều vào trồng chủ yếu ở những vùng đất xấu, thiếu nước tưới, phần lớn diện tích trồng bằng các giống thực sinh, cộng với điều kiện thời tiết trong vài năm trở lại đây diễn biến phức tạp, sâu bệnh hại xuất hiện ngày càng nhiều, thiếu đầu tư chăm sóc.

Đắk Lắk là địa phương có nhiều diện tích điều nhất khu vực Tây Nguyên, với trên 32.092ha. Những năm đầu mới đưa diện tích điều vào kinh doanh, năng suất đạt từ 1,5 tấn điều nhân/ha trở lên, nhưng sau đó vườn cây ngày càng  thoái hóa, bị sâu bệnh hại nên năng suất giảm dần chỉ còn 5-9 tạ điều nhân/ha.

Tỉnh Đắk Nông những năm đầu mới đưa các vườn điều vào kinh doanh cho thu hoạch cũng đạt năng suất bình quân 1 tấn điều nhân/ha nhưng nay cũng chỉ đạt vài tạ điều nhân/ha.

Huyện Ea Súp (Đắk Lắk) trước đây có trên 15.862ha điều kinh doanh nhưng do không có hiệu quả kinh tế, đồng bào đã chặt bỏ trên 10.602ha để chuyển sang trồng rừng làm nguyên liệu giấy cho các doanh nghiệp mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn...

Để khắc phục tình trạng trên, các tỉnh Tây Nguyên tiến hành khảo sát, quy hoạch, đánh giá lại diện tích điều hiện có, xác định các vườn điều có năng suất thấp, trồng bằng các giống thực sinh đã bị thóai hóa trên cơ sở đó có kế hoạch cải tạo thay bằng các giống ghép có năng suất cao.

Các tỉnh cũng tổ chức hướng dẫn, tập huấn quy trình kỹ thuật thâm canh cho đồng bào các dân tộc trồng điều, nhất là chú trọng hướng dẫn đồng bào áp dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật trong sản xuất điều như chăm sóc, bón phân, tỉa cành tạo hình.

Từ hiệu quả kinh tế của việc trồng xen cacao trong các vườn điều của một số địa phương ở tỉnh Đắk Lắk, các tỉnh Tây Nguyên đã có kế hoạch nhân rộng nhằm khuyến khích, tạo điều kiện cho các nông hộ trồng điều tăng thu nhập trên từng đơn vị diện tích.

Các tỉnh Tây Nguyên cũng cần sớm có chính sách tạo điều kiện cho các hộ đồng bào các dân tộc, các đơn vị vay vốn để chăm sóc, cải tạo các vườn điều nhằm góp phần sản xuất điều bền vững.

Hiện nay, các tỉnh Tây Nguyên có tổng diện tích điều trên 84.943ha, giảm trên 15.000 ha so với niên vụ điều 2011- 2012, tập trung nhiều nhất ở các tỉnh Đắk Lắk, Gia Lai, Đắk Nông./.

Quang Huy (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục