Trung tâm văn hóa Việt-Pháp một năm hoạt động

Sau 1 năm hoạt động, Trung tâm đã tổ chức thành công hơn 10 cuộc triển lãm tranh, ảnh và hiện vật giới thiệu đất nước và con người Việt Nam.
365 ngày hoạt động đối với một Trung tâm văn hóa không phải là nhiều, nhưng đó cũng là một quãng thời gian đáng ghi nhớ, nhất là đối với cơ sở văn hóa đầu tiên của Việt Nam tại Pháp nói riêng và châu Âu nói chung.

Tọa lạc tại số 19 phố Albert, quận 13 của thủ đô Paris, Trung tâm là nơi diễn ra nhiều hoạt động văn hóa đa dạng và phong phú, trong các lĩnh vực âm nhạc, văn học, nghệ thuật, ẩm thực và du lịch, nhằm tập hợp người Việt Nam tại Pháp và gắn kết họ với cội nguồn dân tộc, đồng thời tăng cường trao đổi văn hóa Việt-Pháp.

Mặc dù mới đi vào hoạt động và trong điều kiện cơ sở vật chất còn thiếu thốn, Trung tâm đã tổ chức thành công hơn 10 cuộc triển lãm tranh, ảnh và hiện vật giới thiệu đất nước và con người Việt Nam trong đó có nhiều cuộc triển lãm để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng người xem như "Nét đẹp Việt Nam", "Ký ức cầu Long Biên", "Hồ Chủ tịch sống mãi trong sự nghiệp của chúng ta",...

Trung tâm còn phối hợp với các Hội đoàn của người Việt Nam tại Pháp để tổ chức Tết Trung thu cho trẻ em, dạ hội âm nhạc-thời trang cho thanh thiếu niên. Những buổi giới thiệu thơ, ca và nhạc cụ dân tộc, tọa đàm chuyên đề, chiếu phim tại đây đã thu hút đông đảo bà con Việt kiều và bạn bè Pháp tới dự.

Nhận xét về kết quả một năm hoạt động, ông Phạm Xuân Sinh, giám đốc Trung tâm văn hóa Việt Nam tại Pháp nói: "Thành công lớn nhất của Trung tâm đó là đã quảng bá và giới thiệu được hình ảnh đất nước con người, văn hóa Việt Nam tới công chúng Pháp và cộng đồng người Việt Nam ở đây. Thông qua những hoạt động quảng bá đó, người ta hiểu hơn về đất nước, con người Việt Nam, góp phần tăng cường hơn nữa tình hữu nghị, hợp tác cũng như quan hệ giữa hai dân tộc Pháp và Việt Nam, đồng thời góp phần gắn kết bà con cộng đồng với quê hương đất nước".

Với bước khởi đầu đáng khích lệ, ông Sinh tin rằng trong thời gian tới, nhờ những nỗ lực của anh chị em cán bộ Trung tâm và sự phối hợp của Sứ quán cũng như của các cơ quan hữu quan trong nước, Trung tâm sẽ có thể mở rộng hơn nữa hoạt động văn hóa đối ngoại trên địa bàn Pháp và châu Âu.

Đa số bà con Việt kiều đánh giá tốt vai trò và hiệu quả hoạt động của Trung tâm văn hóa. Bên cạnh đó, một số ý kiến cũng cho rằng trong thời gian tới, Trung tâm nên đa dạng hóa hơn nữa các hoạt động văn hóa thể thao, phát triển những mô hình sinh hoạt có tính lâu dài và ổn định như tổ chức các lớp dạy võ cổ truyền, nhạc cụ dân gian, ẩm thực dân tộc... Đặc biệt, nên tổ chức các khóa học tiếng Việt để đáp ứng nhu cầu của bà con Việt kiều và của bạn bè Pháp muốn tìm hiểu Việt Nam bằng ngôn ngữ.

Một khi những ý tưởng này trở thành hiện thực, Trung tâm sẽ thực sự trở thành một địa chỉ không thể thiếu của những người Việt mong muốn gìn giữ bản sắc và cội nguồn dân tộc của họ, và thu hút nhiều hơn nữa bạn bè quốc tế tới tìm hiểu về văn hóa Việt Nam./.

Nguyễn Thu Hà/Paris (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục