Tổng mức bán lẻ dịch vụ, hàng hóa tăng 20%

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ trong 6 tháng đầu năm nay đạt hơn 547,490 tỷ đồng, tăng khoảng 20% so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo các chuyên gia Tổ điều hành thị trường trong nước, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ trong 6 tháng đầu năm nay đạt trên 547 tỷ đồng, tăng khoảng 20% so với cùng kỳ năm ngoái nhưng nếu loại trừ yếu tố tăng giá, mức tăng này chỉ còn khoảng 8,8%.

Tại cuộc họp ngày 30/6, tại Hà Nội, các chuyên gia Tổ điều hành thị trường trong nước nhận định mặc dù kinh tế trong năm 2009 sẽ còn rất khó khăn, một số chỉ tiêu vĩ mô như tăng trưởng kinh tế, tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp, xuất khẩu trong 6 tháng sụt giảm nhưng tổng mức bán lẻ vẫn giữ mức độ tăng trưởng ổn định và cao hơn năm trước, trung bình khoảng 2%/tháng.

Điều này cho thấy các chính sách đồng bộ tích cực của Chính phủ nhằm ngăn chặn suy giảm kinh tế đã phát huy hiệu quả.

Tuy nhiên, các chuyên gia cũng nhận định do thời tiết nắng nóng và mưa nhiều khiến cho các bệnh truyền nhiễm nhiệt đới lây lan nhanh gây ảnh hưởng không nhỏ tới sức khỏe và đời sống, sản xuất của người dân.

Cùng đó, bệnh cúm A/H1N1 đang bùng phát đã gây không ít hoang mang cũng như thiệt hại cho một số ngành và nhất là các địa phương có nhiều địa điểm du lịch.

Ngoài ra, lượng tiêu thụ hàng hóa từ nay đến cuối năm dự kiến sẽ khả quan hơn do tác động của chính sách kích cầu; giá nhiều mặt hàng nguyên liệu chủ chốt trên thị trường thế giới có xu hướng tăng nhẹ, đặc biệt là xăng dầu sẽ kéo theo sự tăng giá của một số mặt hàng trong nước.

Tuy nhiên, do tác động của một số chính sách miễn giảm thuế, do nguồn cung hàng hóa vẫn dồi dào, sức mua trên thị trường còn yếu nên giá cả hàng hóa tại thị trường trong nước sẽ không có biến động mạnh.

Tại cuộc họp, nhiều ý kiến cũng cho rằng do ảnh hưởng của giá thế giới và tác động của chi phí đầu vào cùng một số chính sách điều chỉnh về thuế nhập khẩu nên giá nhiều loại hàng hóa trên thị trường như thép xây dựng, ximăng, phân bón, thực phẩm, xăng dầu đã bắt đầu tăng nhẹ.

Do kinh tế khó khăn, do xu hướng cắt giảm chi tiêu trong dân cư và đầu tư của doanh nghiệp nên trong các tháng giáp đầu năm (tháng 1 và 2) sức tiêu thụ không tăng; nhưng từ tháng 3 trở lại đây, do tác động của các gói kích cầu và các chương trình khuyến mại, giảm giá, tổng mức bán lẻ dịch vụ và hàng hóa bắt đầu tăng trở lại.

Bên cạnh đó, nhiều mặt hàng thiết yếu trên thị trường như sắt thép, ximăng, phân bón, lương thực, hàng tiêu dùng, thực phẩm sức mua đã nhích lên, tồn kho giảm mạnh. Điều này cho thấy dấu hiệu ban đầu của sự hồi phục kinh tế trước các biện pháp kích cầu của Chính phủ. Đây cũng chính là yếu tố quan trọng góp phần tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục