Đảm bảo thực hiện thật tốt pháp luật về bầu cử

Phó Chủ tịch Quốc hội khẳng định đảm bảo thực hiện tốt pháp luật về bầu cử; góp phần để cuộc bầu cử đúng luật, có kết quả cao nhất.
Chiều 1/3, Tiểu ban chỉ đạo, giải quyết khiếu nại, tố cáo về bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII và đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2011-2016, trực thuộc Hội đồng bầu cử, đã họp phiên thứ nhất.

Chủ trì và khai mạc phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Ủy viên Hội đồng bầu cử, Trưởng Tiểu ban nêu rõ, lần đầu tiên trong lịch sử bầu cử Quốc hội Việt Nam, việc bầu cử đại biểu Quốc hội và bầu cử đại biểu Hội đồng Nhân dân sẽ diễn ra trong cùng 1 ngày. Đây là đợt sinh hoạt chính trị lớn, sự kiện trọng đại, ngày hội để toàn dân sáng suốt lựa chọn những đại biểu tiêu biểu, xứng đáng vào cơ quan quyền lực Nhà nước.

Với trách nhiệm giúp Hội đồng bầu cử chỉ đạo, giải quyết khiếu nại, tố cáo liên quan tới cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII và bầu cử đại biểu Hội đồng Nhân dân nhiệm kỳ 2011-2016, hoạt động của Tiểu ban nhằm đảm bảo thực hiện tốt pháp luật về bầu cử; góp phần để cuộc bầu cử diễn ra an toàn, đúng luật, có kết quả cao nhất.

Tiểu ban đã nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Trưởng Ban Dân nguyện Trần Thế Vượng, thành viên Tiểu ban công bố Quyết định thành lập Tiểu ban và báo cáo về chuẩn bị một số công việc phục vụ phiên họp thứ nhất của Tiểu ban.

Theo dự thảo kế hoạch hoạt động, việc xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân về bầu cử được chia làm 3 giai đoạn. Giai đoạn 1 từ 23/3 (60 ngày trước ngày bầu cử) đến hết 27/4/2011 (25 ngày trước ngày bầu cử): Xác minh và trả lời các vụ việc mà cử tri nêu lên đối với người ứng cử.

Giai đoạn 2 từ 28/4 đến hết 12/5/2011 (10 ngày trước ngày bầu cử), xét và giải quyết khiếu nại, tố cáo về công tác của Ủy ban bầu cử, Ban bầu cử và Tổ bầu cử; xét và giải quyết khiếu nại, tố cáo về người ứng cử đại biểu Quốc hội; nghiên cứu, chuyển các đơn thư khiếu nại, tố cáo và kiến nghị đến tổ chức phụ trách bầu cử tại địa phương giải quyết và tổ chức đi kiểm tra, giám sát việc giải quyết tại các địa phương.

Giai đoạn 3, từ 13/5 đến khi kết thúc cuộc bầu cử, ngừng việc tiếp nhận mọi khiếu nại, tố cáo, kiến nghị về người ứng cử và việc lập danh sách những người ứng cử đại biểu Quốc hội; Tiểu ban hoàn tất các công việc còn lại, tiến hành tổng kết và hoàn chỉnh hồ sơ khiếu nại, tố cáo đối với người ứng cử để sau khi Hội đồng bầu cử công bố danh sách những người trúng cử đại biểu Quốc hội khóa XIII thì giúp Hội đồng bầu cử chuyển toàn bộ hồ sơ về khiếu nại tố cáo chưa được giải quyết đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa mới.

Căn cứ tình hình thực tế, Trưởng Tiểu ban tổ chức các đoàn công tác và phân công các ủy viên chỉ đạo và xem xét giải quyết khiếu nại, tố cáo về bầu cử tại địa phương; cử thành viên tham gia các đoàn công tác của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng bầu cử, các cơ quan của Quốc hội tại địa phương để kết hợp chỉ đạo, kiểm tra, giám sát công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo về bầu cử.

Các thành viên cơ bản nhất trí với dự thảo Kế hoạch hoạt động đồng thời đóng góp thêm những vấn đề về quy chế, tổ chức, lề lối làm việc của Tiểu ban đồng thời cũng đề nghị làm rõ thêm chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn; nguyên tắc làm việc và phân công nhiệm vụ.

Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Trưởng Tiểu ban nêu rõ: Tiểu ban cơ bản nhất trí việc chia thành 2 nhóm. Nhóm 1 giúp Trưởng Tiểu ban tiếp nhận, xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo liên quan đến người ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng Nhân dân cấp tỉnh là cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý; nghiên cứu, chuyển đơn thư đến các cơ quan có thẩm quyền giải quyết và chỉ đạo, đôn đốc giải quyết theo quy định của pháp luật và các quy định của Đảng.

Nhóm 2 giúp Trưởng Tiểu ban tiếp nhận, xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo liên quan đến người ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng Nhân dân cấp tỉnh là cán bộ không thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý; khiếu nại, tố cáo về công tác bầu cử, những sai sót trong việc lập danh sách những người ứng cử, danh sách cử tri; kết quả bầu cử.

Nhóm này còn có nhiệm vụ giúp Trưởng Tiểu ban tổ chức tiếp công dân đến khiếu nại, tố cáo liên quan đến công tác bầu cử tại Trụ sở tiếp công dân của Trung ương Đảng và Nhà nước ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh...

Tiểu ban cũng nhất trí thành lập Tổ giúp việc giúp thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn; nhất trí nguyên tắc làm việc tập thể, tập trung dân chủ và đề nghị bổ sung thêm nguyên tắc kịp thời, nhanh chóng, công khai, công bằng, đúng pháp luật; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan có thẩm quyền./.

Thanh Hòa (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục