UBTVQH cho ý kiến dự thảo sửa Luật chứng khoán

Thường vụ Quốc hội bàn về Luật chứng khoán sửa đổi

Dự thảo Luật Chứng khoán sửa đổi tập trung vào biện pháp tăng cường công tác quản lý nhằm hạn chế tình trạng lũng đoạn thị trường.
Sáng 16/9, dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục chương trình phiên họp thứ 34, cho ý kiến vào dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật chứng khoán.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí với tờ trình của Chính phủ cho rằng Luật Chứng khoán sau 3 năm thực hiện đã có những đóng góp quan trọng, làm cơ sở pháp lý điều chỉnh các hoạt động phát hành, kinh doanh, đầu tư chứng khoán, góp phần thúc đẩy phát triển thị trường chứng khoán và đưa dần thị trường chứng khoán vào khuôn khổ có tổ chức.

Tuy nhiện, thực tế đòi hỏi cần phải có sự bổ sung, chỉnh sửa Luật Chứng khoán để phù hợp với sự phát triển nhanh chóng của thị trường chứng khoán, phù hợp với tình hình thực tiễn.

Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán tập trung sửa đổi, bổ sung 16 điều, bãi bỏ 1 điều trong 136 điều của Luật Chứng khoán hiện hành.

Nội dung sửa đổi, bổ sung tập trung vào việc khắc phục một số vấn đề bất cập hiện nay, tăng cường công tác quản lý nhà nước nhằm hạn chế tình trạng lũng đoạn thị trường thông qua bổ sung hành vi vi phạm trong kinh doanh chứng khoán và chế tài xử phạt; khuyến khích và đẩy mạnh giao dịch chứng khoán trên thị trường có tổ chức trên cơ sở quy định điều kiện chào bán chứng khoán ra công chúng.

Nội dung sửa đổi, bổ sung Luật Chứng khoán cũng hướng tới tăng cường tính minh bạch, nhằm lành mạnh hóa hoạt động đầu tư, kinh doanh chứng khoán.

Các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản nhất trí với Dự thảo Luật, tập trung cho ý kiến vào một số vấn đề còn có ý kiến khác nhau liên quan đến các điều luật quy định về chuyển nhượng chứng khoán chào bán riêng lẻ; quy định quy mô quản lý các doanh nghiệp phải cam kết đưa chứng khoán chào bán ra công chúng; điều kiện cấp phép thành lập công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ.

Trưởng ban Dân nguyện Trần Thế Vượng cho rằng việc sửa đổi các điều khoản cần hướng đến sự thống nhất về đầu mối trong quản lý hoạt động thị trường chứng khoán.

Các quy định về hoạt động thanh tra phải phù hợp với các quy định pháp luật hiện hành về thanh tra, giám sát.

Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội Trương Thị Mai cơ bản nhất trí với Dự thảo, nhấn mạnh việc sửa đổi Luật cần đảm bảo thúc đẩy tính công khai, công bằng, minh bạch trong hoạt động của thị trường chứng khoán, để có thể bảo vệ nhà đầu tư, quản lý tốt thị trường chứng khoán không chỉ hiện tại mà cả 5-10 năm tới.

Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Vũ Bằng khẳng định các quy định sửa đổi về hoạt động phát hành của tổ chức tín dụng tuân thủ đúng theo thông lệ quốc tế.

Ông Bằng nhất trí với ý kiến của Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội Trương Thị Mai về việc cần thiết xiết chặt hơn về thủ tục phát hành chứng khoán của tổ chức kinh doanh chứng khoán; nhất trí chỉnh sửa thêm về các điều khoản quy định đối với công tác thanh tra hoạt động thị trường chứng khoán.

Tổng kết các ý kiến đóng góp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên nhấn mạnh thị trường chứng khoán Việt Nam là một lĩnh vực mới, ra đời và phát triển trong bối cảnh kinh tế đất nước và kinh tế thế giới có nhiều biến động.

Luật Chứng khoán hiện hành tồn tại một số quy định chưa phù hợp với thực tế, vì thế cần sửa đổi, bổ sung để đảm bảo thị trường chứng khoán phát triển bền vững, trở thành kênh huy động vốn chủ yếu của nền kinh tế.

Hoạt động của thị trường chứng khoán là một lĩnh vực nhạy cảm, có tác động lớn đến không chỉ các cổ đông mà với cả nền kinh tế, vì thế, việc sửa đổi, bổ sung luật phải đảm bảo phù hợp phát triển, ổn định, bền vững hướng tới quản lý chính quy trong lĩnh vực này.

Dự thảo Luật sửa đổi hướng tới xây dựng thị trường chứng khoán hoạt động trong khuôn khổ, chuẩn mực, ngăn chặn các hoạt động ngầm, không lành mạnh.

Các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản nhất trí với Tờ trình của Chính phủ, thống nhất với ý kiến sửa đổi các quy định về chào bán chứng khoán riêng lẻ, công bố thông tin, hành vi vi phạm trong hoạt động thị trường chứng khoán.

Các tổ chức tín dụng có hoạt động liên quan chứng khoán phải chịu sự điều chỉnh của quy định pháp luật kinh doanh chứng khoán.

Thực tế hiện nay các doanh nghiệp, công ty chào bán ra chứng khoán ra công chúng có số lượng lớn với quy mô khác nhau và các cam kết chào bán hiện chưa quản lý chặt. Dự luật sửa đổi cần hướng tới tới việc quản lý toàn bộ các công ty, doanh nghiệp này trong hoạt động chào bán chứng khoán ra công chúng, nhưng trước mắt chỉ quy định quản lý các cơ quan có quy mô lớn, để phù hợp với trình độ, khả năng quản lý hiện nay của cơ quan chức năng.

Dự thảo luật sửa đổi cần giữa siết chặt hơn về điều kiện thành lập công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ, tránh tình trạng phát triển ồ ạt, không quản lý chặt chẽ.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên yêu cầu cơ quan soạn thảo tiếp thu góp ý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhanh chóng hoàn chỉnh dự án Luật sửa đổi theo để sớm đệ trình xin ý kiến đại biểu Quốc hội, hướng tới đảm bảo thị trường chứng khoán phát triển bền vững trong sự phát triển chung của nền kinh tế đất nước./.

Xuân Khu (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục