"Ngành y tế thiệt hại lớn vì mất đa dạng sinh học"

Nguy cơ mất đa dạng sinh học cản trở việc nghiên cứu và phát triển nhiều loại thuốc chữa bệnh điều trị hiệu quả các bệnh nan y.
Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) báo động tốc độ mất đa dạng sinh học tăng nhanh đã và đang tác động xấu đến cuộc sống của con người, trong đó gây thiệt hại lớn cho ngành y tế.

Ngày 15/9, các nhà khoa học UNEP nhấn mạnh, đa dạng sinh học tiềm ẩn nhiều liệu pháp và phương thuốc mà khoa học hiện đại chưa thể khám phá, có thể giúp điều trị hiệu quả các căn bệnh nan y. Từ hàng ngàn năm qua, các thầy thuốc đã khai thác các chất liệu từ thiên nhiên để chữa bệnh như aspirin từ cây liễu và mới đây nhất là Taxol, thuốc chống ung thư từ vỏ cây thủy tùng Thái Bình Dương.

UNEP nêu rõ những phát hiện mang tính đột phá lớn nhất hiện nay chưa được khai thông nhưng sẽ được phát hiện nếu sự phong phú và đa dạng sinh học của thiên nhiên tiếp tục được bảo tồn.

Các chuyên gia cho rằng nghiên cứu về bí ẩn không làm mất xương và không cần thải nước độc hại mà vẫn an toàn của gấu Bắc Cực trong thời gian ngủ Đông tới bảy tháng trong năm sẽ giúp điều trị bệnh loãng xương ở người. Căn bệnh này đã tiêu tốn tới 18 tỷ USD nghiên cứu cách điều trị và gây tử vong cho 70.000 người chỉ riêng ở Mỹ hàng năm.

Khám phá được bí ẩn của gấu Bắc Cực cũng sẽ giúp ích cho việc điều trị bệnh suy thận, căn bệnh tác động đến 1,5 triệu người trên thế giới và bệnh tiểu đường tuýp 2, căn bệnh tác động đến 190 triệu người trên Trái Đất.

Với loài ếch có khả năng sống dài ngày trong nhiệt độ đóng băng mà tế bào không bị phá hủy, việc nghiên cứu bí ẩn đó có thể là chìa khóa tìm ra phương thức bảo quản tốt hơn các cơ quan của người dành cho phẫu thuật cấy ghép.

Pumiliotoxins, thuốc được chiết xuất từ loài ếch độc Panama có thể điều trị hiệu quả bệnh tim; 700 loài ốc sên nón sống ở các dải san hô có thể sản xuất 140.000 hóa chất độc khác nhau, là nguồn chất liệu lớn có giá trị.

Trong khi khoa học hiện đại mới nghiên cứu được 100 trong số 140.000 dược liệu này, một trong 100 chất độc được nghiên cứu này là Prialto, có hiệu quả gấp 1.000 lần morphin khi được sử dụng làm thuốc giảm đau cho người bệnh ung thư mà không gây ra các tác dụng phụ.

UNEP cảnh báo thế giới đang bước vào thời kỳ được các nhà khoa học gọi là "làn sóng thứ sáu về tuyệt chủng" của các loài sinh vật trên Trái Đất. Vì vậy, nguy cơ mất đa dạng sinh học có thể cản trở việc nghiên cứu và phát triển nhiều loại thuốc chữa bệnh điều trị hiệu quả các bệnh  iện vẫn là nan y đối với khoa học.

Kỳ họp Đại Hội đồng Liên hợp quốc khoá 65 vào tháng Chín này sẽ là cơ hội mới để các nước cam kết đảo ngược lại xu thế suy thoái môi trường và quản lý hiệu quả hơn nguồn tài nguyên sinh vật phong phú, đa dạng và quý báu của thiên nhiên./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục