Phát huy, bảo tồn dệt truyền thống các nước ASEAN

Hội thảo quốc tế về nghề dệt truyền thống các nước ASEAN, tổ chức ngày 17/3, tại Thái Nguyên, với sự tham dự của đại diện các nước.
Hội thảo quốc tế về nghề dệt truyền thống các nước ASEAN với hai chủ đề "Từ làng nghề truyền thống đến công nghiệp nhẹ" và "Bảo tồn, phát huy đồ dệt, thêu trong Bảo tàng," tổ chức ngày 17/3, tại tỉnh Thái Nguyên, với sự tham dự của các chuyên gia, nhà nghiên cứu, nhà khoa học, các doanh nghiệp đến từ 10 nước thành viên ASEAN và các nước đối thoại Nhật Bản, Mỹ, Canada, Ấn Độ...

Hội thảo này nằm trong chương trình hội thảo, trưng bày và trình diễn nghề dệt truyền thống ASEAN lần thứ 4 được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức tại Bảo tàng Văn hóa các Dân tộc Việt Nam, ở thành phố Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên.

Tại hội thảo, các đại biểu đã cùng bàn bạc, thảo luận và thống nhất cần tiếp tục đề ra những giải pháp đổi mới trong nghề dệt truyền thống; đồng thời đưa ra định hướng trong việc đẩy mạnh, phát huy và bảo tồn nghề dệt truyền thống, mở rộng phạm vi hoạt động của Cộng đồng nghệ thuật dệt truyền thống ASEAN (ASEAN - TTAC).

Nhiều tham luận đã được trình bày tại hội thảo như Di sản của nghề dệt ở Việt Nam - truyền thống, kế thừa và phát triển; Nghiên cứu về hệ thống hoa văn đối xứng trên Sarong Batic của người Malaysia; Từ cải thiện nghề dệt truyền thống đến việc mở ra con đường phát triển nghề dệt tại Campuchia; Đương đại hóa nghề dệt bản địa để phát triển bền vững của Ấn Độ; Nghề dệt truyền thống của người Thái trắng ở huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình trong bối cảnh hội nhập; Nghề thêu và nghệ thuật thêu ở Việt Nam; Sản phẩm xơ ngô tiên tiến trong dệt vải Songket của Malaysia; Sự phát triển của dệt may Phuthai tại Thái Lan; Nghề dệt thủ công truyền thống của người Indonesia.

Tại hội thảo, các đại biểu cơ bản cho rằng tiếp cận và nhận diện nghề dệt may truyền thống và nghề dệt may hiện nay là một vấn đề cơ bản trên cả bình diện kinh tế và văn hóa, truyền thống và hiện đại... liên quan đến tầm văn hóa trong chiến lược phát triển kinh tế của các quốc gia thời mở cửa, hội nhập.

Quan sát nghề dệt may truyền thống và hiện đại chính là quan sát một vấn đề rất cơ bản của con người liên quan đến nhu cầu "mặc" và đồ dùng bằng vải khác của gia đình, cộng đồng, tổ chức xã hội, nghề nghiệp trong bối cảnh và sự chuyển đổi một cách toàn diện các yếu tố liên quan đến dệt, may từ "văn minh nông nghiệp" sang "văn minh công nghiệp."

Có đại biểu cho rằng trong xã hội hiện đại, nghề dệt may sẽ phát triển không ngừng và kéo theo đó những ngành nghề liên quan khác như công nghiệp thời trang, thẩm mỹ công nghiệp... với sự đa dạng về chất liệu, kỹ thuật, mỹ thuật... Song dù thế nào, tính sáng tạo của nghề dệt may truyền thống - sản phẩm của văn minh "tiền công nghiệp" ở từng tộc người, quốc gia, khu vực trên thế giới vẫn là một kho vốn kỹ thuật, mỹ thuật vô giá, là hành trang không thể thiếu để bước vào tương lai./.

Thu Hằng-Lan Anh (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục