Chứng khoán tại châu Á lội ngược dòng bứt lên

Cuối phiên 14/6, chỉ số MSCI châu Á-Thái Bình Dương tăng 1,07%, theo đó, nhiều thị trường chứng khoán khu vực đồng loạt xanh sàn.
Đảo ngược xu thế mất điểm liên tiếp nhiều phiên trước, chứng khoán châu Á bứt lên trong phiên giao dịch 14/6, nhờ lạm phát của Trung Quốc diễn biến đúng như dự báo, cùng với sự sôi động của chứng khoán Tokyo.

Kết thúc phiên 13/6 tại Phố Wall, chỉ số công nghiệp Dow Jones đã lấy lại được số điểm đã mất lúc đầu phiên để chốt phiên với 11.952,97 điểm, tăng 1,06 điểm so với phiên trước đó. Sự đảo chiều của chứng khoán Phố Wall đã tiếp sức cho chứng khoán châu Á đi lên phiên tiếp theo.

Cuối phiên 14/6, chỉ số MSCI châu Á-Thái Bình Dương (ngoài Nhật Bản) tăng 1,07%. Theo đó, nhiều thị trường chứng khoán trong khu vực đồng loạt xanh sàn. Tại Thượng Hải, chỉ số Composite (bao gồm cả cổ phiếu loại A và B) tăng 29,66 điểm lên 2.730,04 điểm.

Hai chỉ số chứng khoán chủ chốt của Trung Quốc là Composite và Hang Seng (Hong Kong) đã tăng đáng kể trong phiên này, trước khi tổng điểm bị "cắt tỉa" vào cuối phiên, do Trung Quốc quyết định nâng tỷ lệ dự trữ tiền của các ngân hàng thương mại trong nước.

Tại Đài Bắc (Đài Loan), thị trường chứng khoán tăng mạnh 116,26 điểm lên 8.829,21 điểm.

Trên thị trường Tokyo, hầu hết các cổ phiếu đều được giá, trong đó có cả cổ phiếu của Công ty Điện lực Tokyo (TEPCO), khi các nhà kinh doanh hoan nghênh quyết định của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) về mở rộng tín dụng mới nhằm thúc đẩy kinh tế tại các vùng chịu ảnh hưởng của thảm họa động đất-sóng thần hôm 11/3.

Chỉ số Nikkei 225 khi chốt phiên 14/6 đã tăng 99,58 điểm so với phiên trước lên 9.547,79 điểm. Đóng góp vào mức tăng này có phần của cổ phiếu TEPCO, khi cổ phiếu này tăng 25,12% lên 249 yen/cổ phiếu, nhờ lòng tin của giới đầu tư trở lại sau khi Chính phủ Nhật Bản thông qua cơ chế đền bù cho TEPCO sau sự cố rò rỉ phóng xạ.

Sau hai ngày nhóm họp bàn về chính sách tiền tệ, BoJ ngày 14/6 đã thông báo quyết định giữ nguyên lãi suất cơ bản trong khoảng 0-0,1%, đồng thời mở rộng chương trình cho vay thời hậu động đất-sóng thần.

Nhà chiến lược Hideyuki Ishiguro thuộc Công ty chứng khoán Okasan nói rằng, những bất ổn về chính trị trong nước là nhân tố tiêu cực đối với thị trường chứng khoán, tuy nhiên, thị trường này được hỗ trợ từ quyết sách rõ ràng của BoJ./.

Trang Nhung (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục