Giảng dạy ở bậc đại học nên theo hướng "mở"

Giảng dạy bậc đại học nên theo hướng "mở," có sự tương tác giữa cả 2 phía giáo viên và sinh viên, đưa sinh viên thành chủ thể của bài học.
Giảng dạy bậc đại học nên là giảng dạy theo hướng "mở," có sự tương tác giữa cả 2 phía giáo viên và sinh viên, đưa sinh viên thành chủ thể của bài học.

Đây là quan điểm của Hiệu trưởng trường Niels Brock (Đan Mạch) tại hội thảo hướng tới hợp tác trong giáo dục đại học giữa Việt Nam và Đan Mạch, diễn ra tại Hà Nội ngày 3/11.

Hội thảo nằm trong khuôn khổ diễn đàn "Doanh nghiệp Việt Nam và Đan Mạch - Cùng hợp tác kinh doanh" nhân chuyến thăm chính thức Việt Nam của Nữ hoàng Đan Mạch từ 1 đến 9/11.

Hiệu trưởng trường Niels Brock đã cùng chia sẻ "kinh nghiệm và kế hoạch cho chương trình giáo dục mới ở Việt Nam" từ kinh nghiệm thực tế của trường Niels Brock - một trong số những cơ sở giáo dục lớn nhất Đan Mạch với hơn 30.000 sinh viên theo học và hàng chục đối tác liên kết đào tạo trên toàn thế giới.

Theo diễn giả này, cách học dân chủ, chú trọng giao tiếp không những khắc phục tính e thẹn, ngại giao tiếp của sinh viên mà bản thân giáo viên cũng có thể tiếp thu sự phản hồi từ sinh viên để sửa chữa bài giảng một cách phù hợp.

Tổng Giám đốc Công ty Mascot (Đan Mạch) tại Việt Nam Thomas Bo Pedersen cũng đã nêu ra những hạn chế cũng như thế mạnh của lao động Việt Nam khi làm việc tại các công ty của Đan Mạch, từ đó phần nào nhận ra những hạn chế trong đào tạo nhân lực tại Việt Nam.

Theo ông Pederson, người lao động Việt Nam rất thông minh, nhanh nhạy trong việc tiếp thu kiến thức, kỹ năng nhưng năng lực ngoại ngữ và công nghệ thông tin lại không tốt, kể cả đối với các nhân lực làm quản lý cao cấp. Điều này gây khó khăn trong việc giao tiếp với các đối tác Đan Mạch và cũng gây khó khăn trong công việc.

Phía Đan Mạch đã đề xuất một số chương trình liên kết đào tạo với các trường lớn của Việt Nam với các mô hình đào tạo: 4 + 0 (hoàn toàn đào tạo tại Việt Nam) hoặc 3 + 1 (3 năm học tại Việt Nam và 1 năm đào tạo tại Đan Mạch).

Trong các chương trình này, các phương pháp giảng dạy tiên tiến sẽ được áp dụng nhằm giúp sinh viên ngoài trình độ chuyên môn còn có các kỹ năng "nền" tốt như: tiếng Anh và tin học để có thể đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực trình độ cao.

Tham gia hội thảo có Trường Niel Brock, một số doanh nghiệp Đan Mạch đang đầu tư tại Việt Nam và các trường đại học chuyên ngành kinh tế tại Việt Nam như Đại học Kinh tế quốc dân, Đại học Ngoại thương, Đại học Thương mại./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục