Người chiến sĩ và những kỷ vật bằng máu

Đã ba lần ông dùng máu mình để viết tâm thư, họa cờ Đảng và hình Bác Hồ để thể hiện quyết tâm cũng như ý chí của mình.
Đã ba lần ông Nguyễn Thế Nghĩa (thành phố Bắc Giang) dùng máu mình để viết và vẽ. Lần đầu tiên tại Tân Yên, Bắc Giang ông viết quyết tâm thư để xin được ra chiến trường, lần thứ hai ông vẽ cờ Đảng và lần thứ ba ông vẽ hình Bác Hồ tại một nơi “địa ngục trần gian”, đó là nhà lao Phú Quốc.

Quyết tâm thư bằng máu

Cha ông là Đội trưởng đội du kích thanh niên cảm tử Đình Bảng bị địch bắt và chặt đầu treo ở Tân Hưng, Lạng Giang, Bắc Giang ngày nay. Từ nhỏ tấm gương chiến đấu của người cha có ảnh hưởng rất nhiều đến ông. Sau khi mẹ ông mất, ông chỉ có một tâm nguyện duy nhất là được ra chiến trường, được trực tiếp đối mặt với kẻ thù để có cơ hội trả thù cho cha.

Tuy nhiên, do không đủ cân nặng nên đến lần thứ ba đi khám ông Nghĩa đã phải giấu hai quả cân trong người mới qua được vòng khám sức khỏe. Nhưng ông lại không thuộc diện lấy quân do là con trai duy nhất trong một gia đình liệt sĩ. Lúc đó, để được nhập ngũ, chàng thanh niên đã cắn chảy máu đầu ngón tay mình để viết quyết tâm thư “Tôi tình nguyện tham gia quân đội nhân dân Việt Nam để đánh Mỹ cứu nước, trả thù nhà. Nếu không chiến thắng tôi nguyện không trở về”. Bức quyết tâm thư bằng máu đã giúp ông Nghĩa được nhập ngũ vào năm 1966.

Vào chiến trường miền Nam năm 1968, ông Nghĩa có thời gian là lính trinh sát, rồi chuyển sang Quân báo. Ông về Sài Gòn làm biệt động và trở thành Đại đội trưởng Đại đội đặc công CK25 của Trung Đoàn 320 trực thuộc Bộ tư lệnh miền Nam. Từ khi chiến đấu cho đến khi bị bắt, ông tham gia hơn 102 trận đánh trong đó có những trận đánh lừng danh như: Trận đánh ở dốc 31 Tây Ninh đập tan hai cuộc càn quét mang tên GianXon City, Actonmorơ;  trận đánh tại bến Lức, Long An đập tan “sự thách thức của Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu”…  Quân địch gọi ông là “Báo Đen” và đã từng treo giải đối với những ai bắt, giết được ông.

Cuối năm 1969, ông được lệnh ám sát Phó tổng thống Ngụy quyền Trần Văn Hương tại Long An nhưng kế hoạch thất bại, ông bị bắt. Sau khi chuyển qua nhà tù Côn Đảo, nhà tù Bắc Việt Hổ Lai-Biên Hòa, ông bị đẩy ra nhà tù Phú Quốc với bản án tử hình. Tại đây ông Nghĩa được cử làm Bí thư chi bộ và phân công dạy môn triết học để nâng cao trình độ cho anh em đồng chí.

Cờ Đảng và hình Bác bằng máu

Là Bí thư chi bộ nên ông Nghĩa cũng là người có trọng trách trong công tác kết nạp Đảng viên mới. Tuy nhiên, ở trong nhà lao, để có được lá cờ búa liềm và bức ảnh Bác Hồ để tiến hành kết nạp Đảng theo đúng nghi thức là rất khó khăn. Rất nhiều đồng chí đã phải được cử đi lấy cờ, và tìm ảnh Bác, nhưng đều bị phát hiện và bị tra tấn dã man.

Đúng lúc ấy, có đồng chí nghĩ ra sáng kiến vẽ cờ Đảng bằng máu. Nghe đến đó, ông Nghĩa đã tự cắt tay mình vào tấm tôn, rồi đi băng bó. Khi trở lại, ông nặn cho máu mình chảy ra thành dòng vào tấm gạc rồi ông vẽ cờ Đảng. Tuy nhiên, lá cờ còn chỗ đậm chỗ nhạt thì máu ở tấm gạc đã khô lại, ông Nghĩa tháo gạc để bóp thêm máu từ tay mình thì các đồng chí khác cùng lại gần nói cũng muốn được dùng dòng máu của mình để vẽ cờ Đảng. Còn màu vàng của ngôi sao được các chiến sĩ tán viên thuốc rồi rắc lên.

Tác phẩm thứ nhất đã hoàn thành, ông Nghĩa nảy ra ý định vẽ hình Bác bằng máu. Chỗ vết thương đã khô, ông lấy tăm chấm máu từ vết thương rồi phác thảo bức chân dung Bác. Bức vẽ kết thúc, cả phòng giam đã nghẹn ngào vì không ít người trong số họ chưa một lần được gặp Bác. Hôm đó, đồng chí Tô Diệu, Bí thư Đảng ủy nhà lao còn mượn bức hình Bác để đem về ngắm suốt đêm.

Từ đó, bức hình cờ Đảng và Bác Hồ đã trở thành báu vật của các chiến sĩ cộng sản trong nhà lao. Tuy nhiên, do sự kiểm soát gắt gao của quân địch nên để giữ gìn được hai báu vật, các chiến sĩ cộng sản đã phải mất rất nhiều công sức. Khi thì họ cho vào túi nilon rồi buộc vào răng, thả vào cổ họng, khi thì giấu trong người, khi thì họ vùi trong cát. Khi nào cảm thấy an toàn, lá cờ lại được treo ngay ngắn trên tường để củng cố tinh thần của các chiến sĩ.

Bởi vậy mà, lá cờ, bức ảnh bằng máu của ông Nghĩa mới thoát qua được tay địch và chứng kiến rất nhiều lần kết nạp những con người kiên trung vào Đảng. Hai vật đó đã trở thành biểu tượng thiêng liêng của những chiến sĩ trong nhà lao Phú Quốc.

Hiệp định Paris được ký kết, tù binh hai bên được thả, ông Nghĩa cùng nhiều chiến sĩ khác được ra tù, tài sản duy nhất ông mang khỏi nhà lao là lá cờ và bức ảnh Bác Hồ vẽ bằng máu được ông xếp nhỏ ngậm trong miệng. Hai báu vật đó hiện ông đã tặng lại cho Bảo tàng Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày (Phú Xuyên), Hà Nội.

Và dòng máu sổ vào mặt kẻ thù...

Gã sĩ quan tâm lý chiến của Mỹ trong một buổi chất vấn tù nhân đã trịch thượng hỏi các chiến sĩ của ta: Tại sao cờ của các anh là màu đỏ, lại chỉ có một ngôi sao, sao không làm nhiều sao như cờ Mỹ, sao lại hà tiện thế?

Được đồng chí Tô Diệu ra hiệu, ông Nghĩa đứng dậy đáp: Lá cờ của chúng tôi, có một ngôi sao, mỗi cánh sao tượng trưng một châu lục, màu vàng là màu da dân tộc tôi, chúng tôi muốn đoàn kết, giao lưu với các dân tộc trên thế giới. Còn màu đỏ là màu máu của biết bao lớp người đã ngã xuống cho mảnh đất này. Chính vì thế lá cờ của chúng tôi có một ngôi sao nhưng đủ, không thể dùng từ hà tiện…

Ông Nghĩa vừa dứt lời, tên sĩ quan ngụy lại hỏi ông về lá cờ của Nguỵ quân. Ông đáp ngay: Cái mà ngài gọi là cờ ba sọc, chúng tôi gọi là cờ ba que, cờ này chúng tôi và thế giới không công nhận, ngược lại cờ của chúng tôi cả thế giới biết và công nhận.

Sau đó, tên cai ngục ác ôn Trần Văn Nhu gặp ông Nghĩa và bảo: Hôm nay mày nói hay lắm, phải có kỷ niệm để nhớ chứ. Nói dứt lời hắn dùng thước sắt đánh liên tiếp vào miệng ông Nghĩa, đang lúc Nhu đắc thắng, một dòng máu đỏ cùng 4 chiếc răng gãy từ miệng ông sổ thẳng vào giữa mặt kẻ thù…
 
Đến đây, chợt ông Nghĩa chậm rãi nói, không biết đã bao nhiều lần ông kể những câu chuyện trong nhà lao cho con cháu, cho người thân và rất nhiều người khác nghe, nhưng với ông những câu chuyện đó chưa bao giờ là cũ, nó vẫn rất sống động trước mắt ông.

Đã ở tuổi 66 nhưng ông vẫn giữ được phong thái nhanh nhẹn của người lính. Sau khi trở về từ quân ngũ vào năm 1980, hàng ngày ông làm công việc đóng giày ở con phố Thánh Thiên, thành phố Bắc Giang và dạy nghề miễn phí cho con em các gia đình chính sách hoặc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt. Cho đến nay đã có hàng trăm em được ông truyền nghề và có việc làm ổn định./.

Nguyễn Hà (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục