WHO khởi động chiến lược mới nhằm loại trừ bệnh sởi

WHO, UNICEF cùng nhiều đối tác đã khởi động một chiến lược toàn cầu mới nhằm kiểm soát và loại trừ hoàn toàn bệnh sởi trên toàn cầu.
Ngày 25/4, Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) và các đối tác toàn cầu đã khởi động chiến lược toàn cầu mới nhằm kiểm soát và loại trừ hoàn toàn bệnh sởi.

WHO nhấn mạnh chiến lược mới này dựa trên cơ sở thành tựu mới nhất của phương thức hiện đại điều trị bệnh sởi đã làm giảm 75% số người tử vong vì bệnh này, từ 535.300 người năm 2000 xuống 139.300 người năm 2010.

Vắcxin phòng chống sởi đóng vai trò then chốt trong thành tựu trên.

Thông qua các chiến dịch tiêm chủng quy mô lớn, số người chết vì bệnh sởi ở khu vực Tiểu sa mạc Sahara châu Phi đã giảm tới 85% từ năm 2000 đến năm 2010.

Tổng Giám đốc WHO, Margaret Chan, khẳng định đầu tư lớn cùng với cam kết chính trị của các nước quyết định thành công của chiến lược toàn cầu mới loại trừ bệnh sởi nhằm đảm bảo vắcxin tiêm phòng cho 1 tỷ trẻ em hàng năm.

Trong giai đoạn 2001-2008, bệnh sởi đã giảm mạnh, nhưng đến năm 2009 khi nguồn tài chính đầu tư kiểm soát bệnh sởi sụt giảm mạnh, căn bệnh này đã bùng phát trở lại ở châu Phi, châu Á, châu Âu và Đông Địa Trung Hải làm thế giới mất cơ hội đạt mục tiêu giảm 90% bệnh nhân tử vong vì sởi vào năm 2010.

Năm 2010, chỉ riêng khu vực Tiểu Sahara châu Phi và Đông Nam Á đã có 19 triệu trẻ em không được tiêm vắcxin phòng sởi do hậu quả giảm đầu tư này.

Chiến lược toàn cầu mới phấn đấu tiêm vắcxin phòng sởi cho trẻ em ở những nước nghèo nhất và các cộng đồng dân cư ở những nơi xa xôi hẻo lánh khó vươn tới nhất.

Mỹ đã đóng góp bổ sung 112 triệu USD để thúc đẩy thực hiện và hàng triệu người trên thế giới tình nguyện tham gia hành động trong chiến lược mới này.

Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc đồng thời là Tổng Giám đốc UNICEF, Anthony Lake, cho biết chiến lược toàn cầu mới kiểm soát và loại trừ sởi trước mắt nhằm giảm ít nhất 95% số người chết vì sởi vào năm 2015 so với năm 2000, và loại trừ hoàn toàn bệnh sởi ở ít nhất 5 khu vực do WHO giám sát vào năm 2020.

Chiến lược bao gồm năm trọng tâm: phủ diện tiêm phòng vắcxin rộng; giám sát lây lan bệnh thông qua sự hỗ trợ của các phòng thí nghiệm; tăng cường khả năng sẵn sàng và phản ứng nhanh trước sự bùng phát bệnh và quản lý bệnh hiệu quả; tăng cường sự tham gia của cộng đồng và của thông tin truyền thông; tăng cường nghiên cứu và phát triển.

Liên hợp quốc đã phát động Tuần tiêm chủng toàn thế giới thu hút hơn 180 nước thực hiện tiêm chủng phòng các bệnh trẻ em và nâng cao nhận thức toàn cầu về tầm quan trọng của hoạt động tiêm chủng vắcxin./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục