TP.HCM: Cần phối hợp quản lý lao động nước ngoài

Theo Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội TP.HCM, việc quản lý lao động nước ngoài cần sự phối hợp với nhiều ngành.
Chiều 13/5, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Thành phố Hồ Chí Minh chủ trì cuộc họp với đại diện một số sở ngành thành phố để lấy ý kiến hoàn thiện quy chế phối hợp quản lý lao động người nước ngoài, trước khi trình Ủy ban Nhân dân thành phố phê duyệt.

Theo ông Nguyễn Văn Xê, Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, công tác quản lý lao động là người nước ngoài trong thời gian qua đã có biến chuyển, số người đến Sở đăng ký cấp Giấy phép lao động tăng lên đáng kể.

Chỉ trong bốn tháng đầu năm nay, Sở đã cấp Giấy phép lao động cho hơn 600 trường hợp. Tuy nhiên, trên thực tế, việc quản lý lao động người nước ngoài không dễ dàng, cần sự phối hợp với nhiều sở ngành có liên quan, ông Xê nói.

Đại diện Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội quận 7 thừa nhận rất khó nắm đối tượng lao động là người nước ngoài. Phòng đã “phát đi” yêu cầu báo cáo việc sử dụng lao động người nước ngoài đến hơn 100 doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn quận, song chỉ có trên 10 doanh nghiệp “hồi đáp.”

Ngoài ra, việc quản lý người nước ngoài đã khó, việc xác định lao động là người nước ngoài càng khó hơn và là điều không thể, không đủ thẩm quyền nếu như doanh nghiệp không tự giác báo cáo. Cán bộ ngành lao động-thương binh và xã hội không phải ai cũng biết ngoại ngữ, trong khi người nước ngoài đến thành phố xuất xứ từ nhiều quốc gia.

Tương tự, Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội quận 12 cũng đã “phát gửi” phiếu yêu cầu các doanh nghiệp báo cáo tình hình sử dụng lao động là người nước ngoài, nhưng không có doanh nghiệp nào “chịu” phúc đáp. Trên thực tế, không có chế tài xử phạt các doanh nghiệp không thực hiện hoặc chậm báo cáo.

Theo đại diện Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội quận Bình Tân, sở dĩ Phòng nắm được cụ thể số người nước ngoài hoạt động trên địa bàn quận là nhờ công an quận. Cán bộ ngành “năm lần bảy lượt” đến doanh nghiệp kiểm tra nhưng doanh nghiệp “không tiếp” hoặc “hứa hẹn” nhiều lần do cán bộ ngành không đủ thẩm quyền.

Hiện chỉ tính riêng quận Bình Tân đã có đến gần 900 doanh nghiệp Trung Quốc, hơn 290 doanh nghiệp Đài Loan, số lao động được cấp Giấy phép lao động chủ yếu là người Trung Quốc.

Ông Nguyễn Văn Xê cũng cho biết mới đây, Sở đã gửi hơn 200 “thư mời” đến các doanh nghiệp mang quốc tịch Hàn Quốc và Đài Loan để bàn về vấn đề thực hiện pháp luật lao động, nhưng chỉ có trên 20 doanh nghiệp tham dự.

Việc quản lý, thống kê số doanh nghiệp, số lao động làm việc của mỗi sở ngành là khác nhau. Hàng tháng, Sở Kế hoạch và Đầu tư cấp giấy phép kinh doanh hoạt động cho hàng trăm đơn vị, hàng ngày có hàng ngàn lượt khách nước ngoài đến thành phố, sự biến động là rất lớn và khó kiểm soát.

Sở Lao động-Thương binh và Xã hội thành phố đã cấp hơn 16.200 Giấy phép lao động cho lao động người nước ngoài, nhưng số người sống và làm việc tại thành phố chưa đăng ký để được cấp Giấy phép lao động vẫn còn nhiều.

Nhiều đối tượng trên danh nghĩa đến thành phố du lịch đã ở lại, lao động "chui" trong các doanh nghiệp, làm gia tăng nguy cơ các loại tội phạm, tác động đến an ninh trật tự xã hội trên địa bàn./.

Trần Xuân Tình (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục