Phát huy hơn nữa sức mạnh của chính quyền đô thị

Theo Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh, Dự thảo Hiến pháp cần xây dựng các tiêu chí để phát huy sức mạnh của chính quyền đô thị.
Ngày 1/3, Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh khóa VIII tổ chức đã họp kỳ thứ 8, kỳ họp chuyên đề nhằm lấy ý kiến về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.

Trao đổi với báo chí, đại biểu Lâm Đình Chiến, Chánh Thanh tra Thành phố cho biết, trong kỳ họp này các đại biểu đặc biệt quan tâm tới Điều 115 trong Chương IX nói về chính quyền địa phương.

Ông Lâm Đình Chiến cho biết, nhiều đại biểu đã thống nhất, ở tất cả các địa phương phát triển chính quyền đặc trưng cho đô thị nên ghi rõ những địa phương đủ điều kiện theo Luật định được thành lập chính quyền đô thị; ở phần dưới cũng đề nghị đổi lại Ủy ban nhân dân và Hội đồng nhân dân thành cụm từ chính quyền địa phương.

Riêng ở ý thứ 3 của Điều 115 về chế định phân cấp, nhiều đại biểu cho rằng cần làm rõ nội dung nào Trung ương được quyết hoàn toàn, nội dung nào địa phương được quyết hoàn toàn, địa phương được chủ động tiếp thu nguồn lực phát triển nhanh.

Ông Lâm Đình Chiến nhấn mạnh, trong việc thành lập chính quyền đô thị, Hiến pháp cần ghi rõ “Phải đáp ứng những điều kiện rõ ràng theo Luật định", bởi vì "không phải địa phương nào muốn thành lập cũng được".

Tham gia góp ý về các điều khoản liên quan đến chương Chính quyền địa phương, ông Lê Hoàng Quân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố cho biết, Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ X đã nêu vấn đề tổ chức xây dựng chính quyền đô thị.

Đề án xây dựng chính quyền đô thị của Thành phố Hồ Chí Minh đã được đề cập tới từ những năm 2000-2005, trong Nghị quyết Đại hội VII của Đảng bộ Thành phố đã đề xuất Trung ương cho phép Thành phố xây dựng chính quyền đô thị.

Ông Lê Hoàng Quân khẳng định, nói tới mô hình chính quyền đô thị sẽ có nhiều vấn đề về cơ chế chính sách, phương pháp điều hành, hệ thống quản lý…, vì vậy khi xây dựng các tiêu chí phải xem xét để làm sao phát huy được sức mạnh của chính quyền đô thị.

Ông Lê Hoàng Quân cho biết thêm, Thành phố hiện có rất nhiều khu đô thị nhưng ngoài việc xây dựng nhà cửa, công trình, khu đô thị kiểu mẫu còn phải đáp ứng các tiêu chuẩn xanh, áp dụng công nghệ tiết kiệm năng lượng, thân thiện môi trường.

Thành phố đang nghiên cứu đề nghị Bộ Xây dựng công nhận Khu đô thị Phú Mỹ Hưng (quận 7) là khu đô thị phát triển bền vững, khu đô thị kiểu mẫu.

Theo thống kê của Bộ Xây dựng, cả nước hiện có khoảng gần 800 đô thị lớn nhỏ, từ đặc biệt đến đô thị hạng 4, 5, 6, bình quân cứ 2 tháng Việt Nam có thêm 1 đô thị trong khi chính sách quản lý lại chưa theo kịp.

Ngoài điều 115 được đặc biệt quan tâm, tại tổ thảo luận các đại biểu còn góp ý thêm về quyền con người, quyền công dân; điều 65 về phát triển giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu; trong đó, nhiều đại biểu cho rằng, qua kinh nghiệm của các nước tiên tiến phát triển, chỉ nên đặt giáo dục và đào tạo lên quốc sách hàng đầu, bởi trong đó đã bao hàm cả nội dung về khoa học công nghệ./.

Liên Phương (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục