Hà Nội: Dân chủ, thẳng thắn khi vận động bầu cử

Dân chủ, thẳng thắn khi cử tri phát biểu ý kiến là điều dễ nhận thấy nhất trong những cuộc vận động bầu cử vừa diễn ra tại Hà Nội.
Dân chủ, đúng luật định, tạo được bầu không khí đối thoại thẳng thắn, cởi mở giữa người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIII và đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp, nhiệm kỳ 2011-2016 là ý kiến nhận xét của nhiều cử tri Hà Nội khi tham dự những cuộc vận động bầu cử trên địa bàn thành phố.

Thông qua những chương trình hành động của các ứng cử viên, cử tri hy vọng nếu trúng cử, các vị đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp sẽ cụ thể hóa chúng bằng những hành động cụ thể, thiết thực.

Thẳng thắn khi phát biểu ý kiến

Điều dễ nhận thấy là tại các địa điểm tiếp xúc, vận động bầu cử đã được chính quyền địa phương và Mặt trận Tổ quốc cùng cấp tiến hành đúng trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật. Cử tri đa dạng, phong phú với nhiều thành phần, độ tuổi khác nhau.

Đặc biệt, phần tranh luận trong hội nghị thực sự sôi nổi, đảm bảo dân chủ, thể hiện ở chỗ người dân được tạo điều kiện tối đa khi phát biểu ý kiến.

Họ không hề né tránh khi thẳng thắn đề cập đến những vấn đề còn tồn tại và đề nghị những ứng cử viên "nói phải đi đôi với làm", tránh "hứa suông" và khẳng định sẽ có nhiều hình thức giám sát xem các vị đại biểu có thực hiện đúng cam kết của mình hay không.

Tại cuộc tiếp xúc cử tri của người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIII ở quận Hai Bà Trưng, sau khi chăm chú đọc hết danh sách và tiểu sử tóm tắt quá trình công tác của các ứng cử viên trên địa bàn, ông Tiến, cử tri cao tuổi cho rằng tất cả đều hội tụ đủ tiêu chuẩn và xứng đáng được cử tri lựa chọn.

"Họ đã có những lời hứa rất cụ thể, thiết thực. Phần trình bày chương trình hành động của từng người ứng cử diễn ra ngắn gọn. Đa phần thời gian còn lại, cử tri chúng tôi bày tỏ tâm tư, nguyện vọng của mình trước ứng cử viên," ông Tiến cho hay.

Bác Trần Long, một cựu giáo chức chia sẻ: nếu căn cứ vào quá trình công tác của các ứng cử viên đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp, tôi thấy họ đều hội tụ đủ những tiêu chuẩn về phẩm chất chính trị, hiện đang nắm giữ những cương vị lãnh đạo khác nhau và điều quan trọng nhất là họ đều được tổ dân phố và nơi công tác tin tưởng, tín nhiệm.

Ông Long mong muốn trong tương lai sẽ tận mắt chứng kiến những kết quả cụ thể từ những lời hứa mà các ứng cử viên nêu trong cuộc vận động bầu cử, đồng thời đề nghị đại biểu gần dân hơn, tăng cường đối thoại để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người dân.

"Đề nghị các ứng cử viên khi trúng cử cần có những ý kiến quan tâm nhiều hơn về thành phố Hà Nội, tiếp tục bàn thảo, gỡ rối những 'nút thắt' để có thể tiếp tục trình Quốc hội thông qua Luật Thủ đô trong những kỳ họp tới," ông Long nhấn mạnh.

Không chỉ nêu ra những ý kiến tán đồng về chương trình hành động của người ứng cử, khá nhiều cử tri ở các quận Ba Đình, Cầu Giấy, Tây Hồ, Long Biên; các huyện Đông Anh, Ba Vì và cử tri trẻ đang là sinh viên ở một số trường đại học trên địa bàn quận Đống Đa còn mạnh dạn phát biểu về những vấn đề đang tồn tại trong công tác quản lý đất đai, chậm cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Cử tri băn khoăn khi một số dự án luật vừa mới có hiệu lực thi hành đã phải chỉnh sửa, bổ sung cho phù hợp với tình hình thực tế. Công tác chống tham nhũng, lãng phí có nơi, có lúc chưa được triển khai hiệu quả. Giá cả leo thang hàng ngày gây ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của người dân, nhất là đội ngũ những người làm công ăn lương và lao động phổ thông đơn thuần.

Lấy ví dụ về việc chất vấn và trả lời chất vấn sôi nổi trong các kỳ họp ở Quốc hội khóa XII vừa qua, bác Vũ Văn Tùng, cán bộ hưu trí ở phường Phúc Tân nêu ý kiến, đại biểu Quốc hội khóa mới cần mạnh dạn hơn nữa khi phát biểu, không nên chỉ thu thập ý kiến của cử tri khi báo cáo kết quả kỳ họp hoặc đi tiếp xúc cử tri trước khi diễn ra kỳ họp xong rồi để đấy.

Cũng theo bác Tùng, muốn nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động, mỗi đại biểu Quốc hội cần tự vấn, mình đã làm được gì, chưa làm được gì cho công việc chung để từ đó có hướng khắc phục nếu được cử tri tín nhiệm trao trọng trách trong nhiệm kỳ tới.

Bạn Đặng Thi Thu Nga, sinh viên đại học Quốc gia Hà Nội, một cử tri trẻ, lần đầu tiên đi bỏ phiếu bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp lại băn khoăn trước thực trạng sinh viên ra trường đang gặp khó khăn khi tìm việc làm phù hợp với chuyên ngành đào tạo.

Trong ý kiến của mình, Nga đề cập đến việc giá cả biến động thất thường khiến sinh viên khó duy trì cuộc sống để chuyên tâm học tập. Một số bạn trẻ đang có biểu hiện chuộng lối sống thực dụng, xa rời lý tưởng.

Trao đổi với cử tri, ứng cử viên đại biểu Quốc hội khóa XIII Ngọ Duy Hiểu cho biết rất trăn trở với những vấn đề của giới trẻ và hứa nếu trúng cử sẽ đề xuất với Quốc hội có những hành động cụ thể, thiết thực, giải quyết những vấn đề về việc làm và thu nhập, nâng cao điều kiện học tập, vui chơi, giải trí của sinh viên...

Quan tâm hơn nữa đến đời sống người dân

Song song với những cuộc vận động bầu cử của người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIII, ứng cử viên đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội cũng đã tiến hành những cuộc tiếp xúc cử tri để trình bày chương trình hành động của mình nếu trúng cử.

Điểm nổi bật và xuyên suốt trong những ý kiến đóng góp của người dân tại các quận Tây Hồ, Cầu Giấy, Hoàn Kiếm... cho thấy, cử tri mong muốn Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội thực sự là cơ quan đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân Thủ đô.

Các đại biểu sẽ thực hiện có hiệu quả quyền giám sát của mình, tích cực tham gia quyết định những chủ trương, biện pháp để xây dựng Thành phố Hà Nội trong tương lai.

Nhiều cử tri đã phát biểu ý kiến bày tỏ sự tin tưởng, phấn khởi và mong muốn, các ứng cử viên sau khi trúng cử cần quan tâm tới các vấn đề đảm bảo an sinh xã hội, đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người lao động; cần tiếp tục có các chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp, trợ giá sản phẩm; quan tâm tới các chính sách thu hút người có trình độ cao về công tác tại xã, thị trấn; tăng cường đầu tư và nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo, giải quyết triệt để nạn ô nhiễm môi trường.

Bày tỏ nỗi lo khi một số khu giết mổ gia súc trên địa bàn quận Hoàng Mai gây mất vệ sinh môi trường nhưng vẫn không thể dẹp bỏ hoàn toàn; nhiều khu quy hoạch bỏ hoang, gây lãng phí, trong khi diện tích đất nông nghiệp ngày càng bị thu hẹp, cử tri Hoàng Mạnh Hùng đề nghị 5 ứng cử viên đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố quan tâm giúp đỡ địa phương xây dựng, cải tạo hệ thống cấp nước sạch, có giải pháp di dời những tụ điểm giết mổ ra những địa bàn hợp lý.

Cử tri tại đơn vị bầu cử số 4 thuộc quận Hoàng Mai cũng đã phát biểu nhiều ý kiến trước một số hiện trạng như tình trạng đường sá, cầu cống trên địa bàn quận đã xuống cấp, chưa được đầu tư cải tạo, chỉnh trang không bảo đảm an toàn giao thông. Tình hình giá cả tăng cao, nước sạch, vệ sinh thực phẩm, quản lý trật tự xây dựng... có nơi, có lúc bị buông lỏng và đề nghị sớm được quan tâm giải quyết trong thời gian tới.

Cùng với cả nước, sau khi kết thúc đợt vận động bầu cử của các ứng cử viên, thành phố Hà Nội đang tiến hành những bước chuẩn bị cuối cùng để ngày Chủ nhật 22/5 bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp, nhiệm kỳ 2011-2016 thực sự là ngày hội của toàn dân./.

Vũ Anh Minh (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục