Tổng thống Obama đề xuất kế hoạch ngân sách 2014

Tổng thống Obama đề xuất kế hoạch ngân sách 3.770 tỷ USD cho năm 2014, trong đó có việc tăng thuế thu nhập đối với giới nhà giàu.
Sau hơn hai tháng trì hoãn so với thường lệ hàng năm, ngày 10/4, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã đệ trình Quốc hội kế hoạch chi tiêu ngân sách tài khóa 2014.

Tuy nhiên, các biện pháp cắt giảm thâm hụt cán cân thu chi trong kế hoạch ngân sách của Nhà Trắng, trong đó có việc tăng thuế thu nhập đối với thiểu số những người giàu nhất, đã ngay lập tức gặp phải sự phản đối quyết liệt của phe Cộng hòa tại Quốc hội.

Trong kế hoạch ngân sách 3.770 tỷ USD cho tài khóa 2014, bắt đầu thực hiện từ ngày 1/10/2013, Tổng thống Obama đặt mục tiêu giảm thâm hụt từ mức dự kiến 5,3% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) năm nay xuống 2,8% GDP vào năm 2016.

Theo kế hoạch ngân sách này, thâm hụt liên bang tài khóa 2014 sẽ giảm xuống còn 744 tỷ USD, tương đương 4,4% GDP và đến năm 2023,con số trên sẽ được giảm xuống mức tương đương 1,7% GDP.

Để đạt được mục tiêu trong 10 năm tới sẽ cắt giảm thâm hụt ngân sách tổng cộng 1.800 tỷ USD, chính quyền Tổng thống Obama chủ trương giảm chi tiêu 930 tỷ USD, tăng thuế thu nhập khoảng 580 tỷ USD, kết hợp với việc cắt giảm một số chương trình phúc lợi.

Tổng thống Obama cho biết ưu tiên hàng đầu của Nhà Trắng là cải thiện nền kinh tế bằng cách hỗ trợ sự phát triển của tầng lớp trung lưu đang lớn mạnh.

Phát biểu trong cuộc họp báo công bố kế hoạch này, Tổng thống Obama thừa nhận kế hoạch ngân sách của Nhà Trắng không phải là một phương án lý tưởng để cắt giảm thâm hụt ngân sách, nhưng là một phần trong nỗ lực muốn tìm kiếm các thỏa hiệp với phe Cộng hòa nhằm chấm dứt tình trạng bế tắc đã kéo dài nhiều tháng qua.

Ông Obama cho rằng chỉ nên cắt giảm từng bước vì cắt giảm quá mạnh và rộng khắp các lĩnh vực có nguy cơ làm mất đi hàng trăm nghìn việc làm mỗi năm mà nền kinh tế Mỹ hiện đang rất cần.

Trong kế hoạch ngân sách, Tổng thống Obama chính thức đề xuất phương án "Thuế Buffett," lấy tên nhà tỷ phú đầu tư Warren Buffett, người ủng hộ việc tăng thuế thu nhập của những người giàu lên tối thiểu 30% đối với những cá nhân và cặp vợ chồng có thu nhập từ 1 triệu USD/năm trở lên. Mức thuế này đã hạ thấp rất nhiều so với ý định ban đầu từ 35% đến 36,9%.

Phạm vi đối tượng tăng thuế cũng chỉ ở mức 1 triệu USD/năm trở lên, thay vì 250.00 USD/năm như kế hoạch ban đầu.

Kế hoạch của ông Obama cũng chấp nhận cắt giảm một số chương trình phúc lợi, trong đó có chương trình an sinh xã hội, chăm sóc y tế và chương trình bảo hiểm sức khỏe cho người già.

Mục tiêu cụ thể trong kế hoạch của Nhà Trắng là giảm mức thâm hụt ngân sách năm 2014 xuống 744 tỷ USD, chiếm 4,4% GDP, so với mức 973 tỷ USD dự kiến trong năm nay và hơn 1.000 tỷ USD trong bốn năm liên tục trước đó.

Kế hoạch của ông Obama cũng đề nghị cắt giảm thuế cho các doanh nghiệp từ mức cao nhất thế giới 35% hiện nay xuống 28%.

Nhà Trắng dự báo tốc độ tăng GDP năm nay là 2,6%, năm tới là 3,4% và tỷ lệ thất nghiệp đến cuối năm 2014 sẽ giảm xuống 7% so với mức trung bình 7,5% của năm 2013.

Phản ứng về đề xuất của Nhà Trắng, Chủ tịch Hạ viện, Hạ nghị sỹ Cộng hòa John Boehner, một mặt hoan nghênh Tổng thống Obama chấp nhận cắt giảm các chương trình phúc lợi, mặt khác khẳng định kế hoạch mà Nhà Trắng vừa đưa ra không đủ mạnh để cắt giảm mức thâm hụt ngân sách đang ngày càng lớn trong bốn năm qua.

Ông Boehner bày tỏ hy vọng Tổng thống Obama sẽ không sử dụng một vài nhượng bộ nhỏ này như một con tin để thúc đẩy việc tăng thuế thu nhập đối với những người giàu.

Hạ nghị sỹ Cộng hòa, cựu ứng cử viên phó tổng thống năm 2012, ông Paul Ryan thẳng thừng bác bỏ, cho rằng kế hoạch của Nhà Trắng sẽ càng làm trầm trọng thêm tình hình thâm hụt ngân sách vốn đã ở mức báo động của nước Mỹ.

Ông Ryan cho biết kế hoạch của Nhà Trắng tương phản hoàn toàn với kế hoạch mà ông đã đưa ra hồi tháng trước, theo đó trong 10 năm tới cắt giảm tổng cộng hơn 4.000 tỷ USD thâm hụt ngân sách, thay vì chỉ có 1.800 tỷ USD mà Nhà Trắng đưa ra.

Liên quan đến vấn đề ngân sách của chính quyền Mỹ, ngày 10/4, một quan chức giấu tên cho biết ngân sách chi tiêu cho Lầu Năm Góc sẽ bị cắt giảm ít hơn các khoản cắt giảm chi tiêu tự động của Tổng thống Obama vừa mới được khởi động, nhưng sẽ vẫn ở mức 150 tỷ USD trong vòng 10 năm tới.

Mỹ hiện đang tiến hành kế hoạch cắt giảm 487 tỷ USD chi tiêu quốc phòng trong vòng 10 năm, được thông qua năm 2011.

Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Mỹ cùng ngày đã đề xuất dành 47,8 tỷ USD cho các hoạt động ngoại giao của Mỹ trong tài khóa 2014, giảm 6% so với năm 2012.

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cho biết ngân sách tài khóa 2014 sẽ hướng tới việc cân bằng giữa các lợi ích an ninh và kinh tế của Mỹ.

Theo đề xuất trên, ngân sách dành cho Iraq và Afghanistan sẽ bị cắt giảm, trong khi ưu tiên cho chính sách ở châu Á và tăng cường an ninh của các phái bộ ngoại giao Mỹ ở nước ngoài./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục