"VN cần nỗ lực hơn nữa để tạo ra cơ hội bình đẳng"

Mặc dù VN đã có khuôn khổ luật pháp và chính sách nhằm thúc đẩy bình đẳng giới nhưng vẫn cần nhiều nỗ lực hơn nữa để đạt mục tiêu.
Ông Bruce Campbell, quyền Điều phối viên thường trú Liên Hợp Quốc tại Việt Nam nhấn mạnh, mặc dù Việt Nam có khuôn khổ luật pháp và chính sách nhằm thúc đẩy bình đẳng giới nhưng vẫn cần nhiều nỗ lực hơn nữa để có thể tạo ra cơ hội bình đẳng cho nam giới và phụ nữ, giúp đảm bảo các chính sách và chương trình được thực hiện ở cấp tỉnh và các địa phương.

Phát biểu tại lễ kết thúc chương trình hợp tác chung về Bình đẳng giới giữa Việt Nam và Liên Hợp Quốc sáng nay (19/3), tại Hà Nội, ông Bruce Campbell nhận định: Việt Nam đã có nhiều tiền bộ trong việc giải quyết chênh lệch giới về giáo dục, y tế và việc làm. Những khoảng cách giới trong giáo dục các cấp đã được cải thiện, thậm chí xóa bỏ. Tỷ lệ tử vong bà mẹ, trẻ em và trẻ sơ sinh cũng được cải thiện đang kể... Tuy nhiên, bình đẳng giới vẫn còn là một vấn đề cần phải tiếp tục giải quyết ở Việt Nam.

Ông Nguyễn Thanh Hòa, Thứ trưởng thường trực Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cũng cho rằng Việt Nam còn nhiều hạn chế trong việc hỗ trợ, giám sát quá trình thực thi Luật Bình đẳng giới và Luật phòng chống bạo lực gia đình.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Thanh Hòa, từ năm 2008, Việt Nam đã có cơ quan phụ trách về bình đẳng giới, có cán bộ quản lý về bình đẳng giới từ trung ương đến địa phương. Đến nay, Việt Nam có khoảng 100 cán bộ làm công tác bình đẳng giới. Tuy nhiên, so với yêu cầu thực tế, số lượng cán bộ bình đẳng giới chưa đủ để đảm bảo thực hiện tốt công tác này. Trong thời gian tới, Việt Nam phải tăng số lượng đồng thời tăng chất lượng cán bộ  bình đẳng giới vì hầu hết cán bộ đều là mới.

Mặt khác, liên quan đến việc nâng cao quyền lãnh đạo cho phụ nữ, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Hòa nói: “Phụ nữ phải được tham gia quyết định, hoạch định những chính sách lớn. Mặc dù chúng ta đã có những cuộc vận động từ trung ương đến địa phương nhưng chưa thật sự đạt được những mục tiêu đã đề ra. Ví dụ như gần đây, chúng ta phấn đấu có 30% tỷ lệ phụ nữ là đại biểu quốc hội nhưng vẫn chưa đạt được, mới chỉ có 24% đại biểu là nữ. Tuy nhiên, quan trọng hơn hết là Trung ương Đảng, Chính phủ và Quốc hội đã bắt đầu quan tâm đến vấn đề này.”

Chương trình hợp tác chung về bình đẳng giới có mục tiêu tăng cường năng lực của các lãnh đạo cấp quốc gia và cấp tỉnh, các cơ quan, đơn vị và các bên có trách nhiệm liên quan nhằm thực hiện giám sát, đánh giá và báo cáo có hiệu quả về thực thi Luật Bình đẳng giới và Luật Phòng chống bạo lực gia đình. Chương trình hợp tác chung có tổng ngân sách hơn 4,6 triệu USD và được triển khai từ tháng 4/2009 và sẽ kết thúc vào ngày 30/3/2012.

Sau 3 năm thực hiện, chương trình hợp tác chung đã giúp nâng cao nhận thức, tăng cường kiến thức liên quan đến việc thực hiện, giám sát, đánh giá và báo cáo về hai luật Bình đẳng giới và Phòng chống bạo lực gia đình cho khoảng 2.000 cán bộ các cơ quan trung ương và địa phương.

Bên cạnh đó, chương trình cũng góp phần củng cố dự liệu đầu vào quan trọng cho các nhà hoạch định chính sách qua các dữ liệu thống kế đánh giá về lĩnh vực việc làm, đánh giá năng lực thực hiện Luật Bình đẳng giới, khả năng tiếp cận pháp lý của phụ nữ dân tộc thiểu số, mại dâm và tính di biến động…

Chính phủ Việt Nam và Liên Hợp Quốc cam kết tiếp tục hợp tác để hỗ trợ hiệu quả việc thực hiện Chiến lược quốc gia về Bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020, Chương trình hành động quốc gia về bình đẳng giới, giai đoạn 2011-2015, cũng như đảm bảo phụ nữ và trẻ em gái được ưu tiên trong các chương trình và chính sách trong thời gian tới./.

Hồng Kiều (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục