Chia sẻ kinh nghiệm tiếp xúc cử tri của đại biểu QH

Theo ông Nguyễn Mạnh Cường, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp Quốc hội, mỗi năm đại biểu QH tiếp xúc được 0,6% số cử tri cả nước.
Ngày 13/4, tại thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh, Văn phòng Quốc hội, Ban Dân nguyện, Văn phòng đại diện Viện Konrad Adenauer Stiftung và Ủy ban châu Âu đã tổ chức Hội nghị chia sẻ kinh nghiệm về giữ mối liên hệ với cử tri của đại biểu Quốc hội.

Ông Nguyễn Mạnh Cường, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp Quốc hội đã góp ý về vấn đề thực trạng hoạt động tiếp xúc cử tri và giải quyết các ý kiến, kiến nghị của cử tri.

Ông Cường cho biết các đại biểu Quốc hội trong cả nước thực hiện hơn 24.440 cuộc tiếp xúc với trên 2,4 triệu lượt cử tri và hơn 57.160 ý kiến, kiến nghị được tổng hợp. Tính trung bình, mỗi năm đại biểu Quốc hội tiếp xúc được 0,6% số cử tri cả nước (cử tri cả nước khoảng 56 triệu).

Ông Cường đề nghị đại biểu Quốc hội nên thường xuyên liên hệ chặt chẽ với cử tri, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của cử tri, thu thập và phản ánh trung thực ý kiến, kiến nghị của cử tri với Quốc hội và các cơ quan hữu quan Nhà nước; chịu sự giám sát của cử tri và chịu trách nhiệm trước cử tri về việc thực hiện nhiệm vụ đại biểu của mình.

Bà Nguyễn Thị Hồng Hà, Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội đưa ra kinh nghiệm lựa chọn và tổ chức các hình thức tiếp xúc cử tri thông qua các chuyên đề như tiếp xúc với cử tri ngành điện lực, y tế, nội vụ, tư pháp... để lắng nghe được nhiều ý kiến cử tri là các chuyên gia, người có trình độ cao trong các lĩnh vực, từ đó có nguồn tư liệu thực tiễn phong phú, giúp các đại biểu có chính kiến của mình, tham gia đóng góp những ý kiến sâu sắc, tích cực tại các kỳ họp Quốc hội.

Ông Nguyễn Thanh Bình, Trưởng phòng Dân nguyện Ban Dân chủ-Pháp luật, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho rằng cần có sự phối hợp giữa Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với các cơ quan tổ chức trong việc tổ chức tiếp xúc giữa cử tri với đại biểu Quốc hội.

Ông Bình đưa ra giải pháp để phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là nghiên cứu cho phép và khuyến khích các đại biểu tổ chức các điểm tiếp xúc cá nhân, nhóm cử tri tại các nơi công cộng (siêu thị, bến tàu xe, nhà hát, sân vận động...) dưới sự hỗ trợ, giúp đỡ của các cơ quan chính quyền, tổ chức tại chỗ.

Kết luận hội nghị, ông Ngô Tự Nam, Phó trưởng Ban Công tác đại biểu cho rằng do điều kiện, đại biểu Quốc hội Việt Nam chưa có văn phòng riêng đối với từng đại biểu. Thực tế hoạt động đặt ra yêu cầu đại biểu Quốc hội cần có cán bộ giúp việc (không chuyên trách) để tiếp nhận, tham mưu đề xuất ý kiến, kiến nghị của cử tri khi đại biểu Quốc hội vắng mặt./.

Nguyễn Hoàng (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục