Chứng khoán châu Á gần mức cao nhất của 6 tuần

Chỉ số MSCI của khu vực châu Á-Thái Bình Dương (trừ Nhật Bản) tăng 0,3% sau khi có lúc tăng 0,4% lên mức cao nhất trong 6 tuần.
Các thị trường chứng khoán châu Á phiên 10/3 lên gần mức cao nhất trong vòng 6 tháng nhờ các quỹ đầu tư nước ngoài tiếp tục đổ vốn vào các thị trường như Nhật Bản, Hàn Quốc và Ấn Độ, với số liệu cho thấy các quỹ chứng khoán tại thị trường đang nổi tiếp tục hút thêm vốn trong tuần thứ 3 liên tiếp.

Chỉ số MSCI của khu vực châu Á-Thái Bình Dương (trừ Nhật Bản) phiên này tăng 0,3% sau khi có lúc tăng 0,4% lên mức cao nhất trong 6 tuần.

Nhờ sự hỗ trợ hoạt động mua vào của các nhà đầu tư nước ngoài, chỉ số này đã tăng hơn 11% kể từ khi rơi xuống mức thấp kỷ lục trong tháng 2, lấy lại được những gì đã mất kể từ đầu năm đến nay và hiện ở mức tương đối ổn định so với thời điểm cuối năm 2009, khi những lo ngại về vấn đề nợ ở châu Âu đã giảm đáng kể.

Những số liệu mới nhất từ EPFR cho thấy luồng đầu tư đang đổ vào các quỹ chứng khoán tại tất cả các thị trường đang nổi trong tuần thứ 3 liên tiếp. Kể từ đầu năm đến nay, các quỹ này đã tiếp nhận 2,2 tỷ USD.

Theo Chung Myoung-gi, nhà phân tích thị trường thuộc công ty chứng khoán Samsung Securities, việc các nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục mua vào là rất tích cực bởi nó cho thấy nhu cầu đầu tư mạo hiểm đang vững lên khi những lo ngại về cuộc khủng hoảng nợ của Hy Lạp đã giảm đáng kể.

Tuy nhiên, nhu cầu mua vào của khối ngoại có tiếp tục tăng hay không còn tuỳ thuộc vào các số liệu kinh tế của Trung Quốc, nhất là giá tiêu dùng, sẽ được công bố trong tuần này.

Mặc dù vậy, phiên này các thị trường chứng khoán không có nhiều biến động do giới đầu tư đang chờ đợi các số liệu mới về kinh tế Mỹ, thị trường xuất khẩu chủ lực của các nước châu Á, bất chấp thông tin cho biết xuất khẩu tháng 2 của Trung Quốc đã tăng gần 46% so với một năm trước.

Thị trường chứng khoán Trung Quốc phiên này giảm 0,66% khi giới đầu tư bỏ qua thông tin về khu vực xuất khẩu và chờ đợi báo cáo về chỉ số giá tiêu dùng. Chỉ số Shanghai Composite chốt phiên giảm 20,21 điểm xuống 3.048,93 điểm.

Trong khi đó, chỉ số Hang Seng của thị trường chứng khoán Hongkong tăng 0,74 điểm lên 21.208,29 điểm.

Thị trường chứng khoán Nhật Bản phiên này hầu như không thay đổi khi chỉ số Nikkei-225 giảm 3,73 điểm (0,04%) xuống 10.563,92 điểm, với cổ phiếu của Toyota Motor Corp giảm 1,4% sau báo cáo cho biết một chiếc xe hơi Prius của hãng đã bị mất lái ở Mỹ.

Theo Hajime Nakajima, Phó Tổng Giám đốc Cosmo Securities, luồng tiền của khối ngoại tiếp tục được đổ vào thị trường Nhật Bản kể từ cuối năm ngoái và đang có tác dụng hỗ trợ thị trường.

Nhưng với tình hình kinh tế vĩ mô hiện nay, gồm cả những lo ngại về tín dụng ở châu Âu, thị trường sẽ không biến động nhiều cho đến khi giới đầu tư thực sự đặt thị trường chứng khoán Nhật ở đầu danh mục đầu tư của mình.

Cùng ngày, chỉ số KOSPI của Hàn Quốc tăng 0,1%, Ấn Độ tăng 0,1% và thị trường chứng khoán Australia hầu như không đổi khi chỉ giảm 0,1 điểm xuống 4.820 điểm.

Dariusz Kowalczyk, nhà chiến lược đầu tư chủ chốt của công ty SJS Markets Ltd tại Hongkong nhận định xu hướng hiện nay vẫn rất tích cực đối với các tài sản rủi ro và đà tăng trên thị trường sẽ tiếp diễn cho trong tháng 3 này.

Tuy nhiên ông cảnh báo đà tăng có thể sẽ giảm trong quý II khi các chính phủ bắt đầu rút lại những gói kích thích và biện pháp khẩn cấp được tung ra để kéo nền kinh tế khỏi suy thoái./.

Phương Thảo (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục