Canada mong đạt hiệp định khí hậu mới vào 2015

Canada đã ca ngợi thỏa thuận về đàm phán khí hậu tại COP 17, song vẫn cho rằng hiệp định mới chỉ có thể được hoàn tất vào năm 2015.
Theo báo Thư tín Địa cầu số ra cuối tuần qua, Bộ trưởng Môi trường Canada Peter Kent đã ca ngợi thỏa thuận về các cuộc đàm phán khí hậu, vừa đạt được tại Nam Phi, song vẫn thận trọng cho rằng hiệp định mới chỉ có thể được hoàn tất vào năm 2015.

Phát biểu tại Durban (Nam Phi), sau khi hội nghị có sự tham gia của đại diện 194 nền kinh tế nhất trí bắt đầu các cuộc thương thuyết về một hiệp định mới nhằm đảm bảo các quốc gia có nghĩa vụ pháp lý phải thực hiện những cam kết mà họ đưa ra, ông Kent nói: "Cương lĩnh Durban là một cấu trúc công bằng và cân bằng cho hành động hiệu quả và có trách nhiệm. Mặc dù các cuộc thương thuyết này sẽ khó khăn, Canada lạc quan rằng chúng ta sẽ đạt được hiệp định mới vào năm 2015. Muộn nhất thì hiệp định mới sẽ bắt đầu có hiệu lực vào năm 2020."

[COP 17 nhất trí về lộ trình chống biến đổi khí hậu]

Theo ông Kent, Canada mong muốn tránh một hiệp định mới kiểu Nghị định thư Kyoto bằng bất cứ giá nào. Theo Nghị định thư Kyoto, hiện chỉ các nước công nghiệp mới bị ràng buộc về pháp lý về các mục tiêu cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Những cam kết này sẽ hết hạn vào năm 2012, nhưng chúng sẽ được gia hạn ít nhất 5 năm theo thỏa thuận đạt được ngày 11/12, yêu cầu chính của các nước đang phát triển tìm cách duy trì hiệp ước duy nhất hiện nay có quy định về khí thải cácbon.

Ông Matt Horne, Giám đốc chương trình biến đổi khí hậu của Viện nghiên cứu Pembina, nói: "Quyết định đàm phán về một hiệp định khí hậu toàn cầu mới với hiệu lực pháp lý là một bước tiến lớn về phía trước."

Ông Horne cho rằng việc Canada bị gạt ra lề tại Durban là do nước này không đưa ra được những giải pháp xây dựng hoặc hành động có ý nghĩa và việc khôi phục uy tín, đòi hỏi hành động mạnh mẽ hơn từ các chính quyền liên bang, tỉnh và các thành phố.

Trong khi đó, Liên minh khoa học khí hậu quốc tế có trụ sở tại Ottawa đã phản đối thỏa thuận trên, đồng thời tỏ ra nghi ngờ những tuyên bố rằng các nước phát triển phải phần nào chịu trách nhiệm về sự ấm lên toàn cầu.

Ông Tom Harris, Giám đốc điều hành Liên minh, nói: "Các nước phát triển không làm khí hậu biến đổi để các nước đang phát triển phải chịu đựng. Khí hậu luôn biến đổi, lúc ấm lên, lúc lạnh đi do các nguyên nhân tự nhiên mà con người không thể làm gì để ngăn chặn. Tuy nhiên, xét tới tình hình kinh tế, các nước phát triển có một nghĩa vụ đạo đức, dành một phần viện trợ nước ngoài của mình để giúp những người dễ bị tổn thương nhất thế giới thích nghi với các hiện tượng khí hậu"./.

Thanh Hoa (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục