Chạy đua với cúm

Phòng cúm: Chạy đua từ mầm non đến đại học

Mua khẩu trang, phun thuốc khử trùng... các trường từ mầm non đến đại học đang chạy đua với cúm H1N1 khi ngày khai trường đã gần.
Trước diễn biến dịch cúm A/H1N1 ngày càng phức tạp trong khi ngày tựu trường cận kề, ở mọi cấp học, các trường đều nỗ lực chống cúm bằng nhiều cách, tùy theo năng lực, khả năng tài chính của mình.

Muốn vào trường, phải đo thân nhiệt


Từ sáng sớm, cổng trường mầm non tư thục Mặt Trời Bé Thơ (phố Hàng Than, Hà Nội) đã dàn sẵn đội hình bác sỹ và giáo viên túc trực đón và đo nhiệt độ cho các cháu trước khi vào trường. Bé nào có biểu hiện sốt hay viêm họng đều  phải nghỉ học và theo dõi chặt chẽ tại nhà.

Theo bà Hiệu trưởng Nguyễn Thị Liên, mỗi nhiệt kế được mua với giá 200.000 đồng. Để đo cho 200 học sinh, trường đã mua 8 chiếc. “Tuy công đoạn kiểm tra mất nhiều thời gian nhưng đó là việc bắt buộc trong thời “bão cúm” này, nhất là với trẻ em vốn có sức đề kháng kém”, bà Liên nói.

Tuy không mua nhiệt kế nhưng hơn 1 tuần nay, trường mầm non Việt Nam– Bunggary (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) đã gấp rút tiến hành một loạt các biện phòng ngừa cúm như tẩy trùng lớp học, đồ chơi, hạn chế phụ huynh đi lại trong trường.

“Tới hôm nay, chỉ riêng tiền tẩy trùng hàng ngày và nhiều loại thuốc y tế khác đã hết 13 triệu đồng. Tất cả số tiền này đều được trích từ quỹ dự phòng của trường. Phụ huynh học sinh không phải đóng góp”, bà Hiệu trưởng Đặng Thị Sáu cho biết.

Cũng theo bà Sáu, với khoảng 800 học sinh, nếu dùng khẩu trang y tế với giá khoảng 60.000 đồng/hộp (mỗi hộp 50 chiếc) thì mỗi ngày hết khoảng 1 triệu đồng vì loại khẩu trang này chỉ dùng một lần. Nếu mua khẩu trang than hoạt tính loại bình thường với giá khoảng 30.000 đồng/chiếc, thì số tiền sẽ lên tới trên 20 triệu đồng. Chưa kể, giá khẩu trang leo thang từng ngày do nhu cầu ngày càng lớn. Vì thế, trường không trang bị khẩu trang cho các bé mà phụ huynh phải tự lo.

Trường mầm non Hoa Hồng (Cầu Giấy, Hà Nội) thời gian này cũng đang “căng mình” ra chống cúm. Tuy nhiên, công tác phòng chống ở đây chủ yếu dựa vào… kinh nghiệm giáo viên. “Các cô có thể áp vào má và tay các cháu để phát hiện xem cháu có sốt hay không”, cô Mai, phụ trách lớp D1 trường mầm non Hoa Hồng cho biết.

Chuẩn bị sẵn phòng cách ly


Nếu các trường mầm non lo lắng vì trẻ em dễ bị nhiễm bệnh thì ở các đại học, việc tập trung học sinh tứ xứ cũng đang là nguy cơ lớn. Hầu hết các trường đều nhập học vào tháng 8 nên công tác chống dịch đang được gấp rút triển khai.

Ngày mai, sinh viên Đại học Y Hà Nội sẽ đến nhận phòng ký túc xá. “Chúng tôi đợi các em đến dọn phòng xong thì sẽ phun dịch tễ vì họ cầm chìa khóa phòng. Trường cũng dự tính trước phương án dùng các giảng đường làm khu cách ly khi có dịch”, ông Nguyễn Phúc Hà, Trưởng Phòng Y tế của trường, cho biết.

Cũng theo ông Hà, Phòng Y tế đang xin trường khoảng 40 triệu để mua 1.000 khẩu trang chống cúm (trong đó có khoảng 600 khẩu trang y tế và 400 khẩu trang hoạt tính) và các loại thuốc cần thiết như thuốc nhỏ mắt, thuốc Tamiflu, dịch truyền… “Đợt thi tuyển sinh, chúng tôi mua khẩu trang y tế chỉ có 35.000 đồng/hộp nhưng giờ giá đã lên tới 70.000 đồng/hộp. Tuy nhiên, trường vẫn phải chấp nhận mua giá đắt để có thể chủ động khi có sinh viên nhiễm bệnh”, ông Hà nói.

So với các trường khác, Đại học Y Hà Nội có lợi thế hơn hẳn vì có bệnh viện riêng. Theo ông Hà, bệnh viện của trường có thể tiếp nhận tới 100 sinh viên cùng lúc.  “Trường không đủ điều kiện để trang bị máy đo thân nhiệt do giá loại máy này tới trên 20.000 USD/chiếc. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ gửi các em tới bệnh viện làm xét nghiệm nếu có biểu hiện cúm”, ông Hà cho biết.

Ngày 15/8 tới, khoảng 20.000 sinh viên của Đại học Bách khoa sẽ tựu trường. “Chúng tôi đã phun dịch tễ khử trùng toàn bộ trường học. 20 nhân viên y tế túc trực với đầy đủ thuốc men và có thể tiếp nhận được 20 sinh viên. Trường còn dành sẵn phòng B13B để cách ly”, ông Bùi Đức Hùng, Trưởng phòng Công tác chính trị và công tác sinh viên, Đại học Bách Khoa Hà Nội, nói.

Theo ông Phùng Khắc Bình, Vụ trưởng Vụ Công tác học sinh – sinh viên, Bộ Giáo dục và Đào tạo, thì các đại học, cao đẳng là mối quan ngại lớn của Bộ. “Sinh viên đến từ nhiều địa phương trong cả nước, rất khó trong kiểm soát dịch, nguy cơ lây lan rất lớn, nhất là các khu ký túc xá. Trong khi đó, tình hình dịch đang diễn biến phức tạp”, ông Bình lo lắng nói./.

Phạm Mai - Xuân Dũng (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục