Quảng bá du lịch gắn liền với quảng bá về đất nước

Cục trưởng Cục Hợp tác Quốc tế Nguyễn Văn Tình cho rằng để quảng bá du lịch Việt Nam là phải quảng bá hình ảnh đất nước và con người Việt Nam.
Việc quảng bá hình ảnh Việt Nam trên kênh truyền hình quốc tế CNN rồi BBC, và gần đây nhất là trên 27 taxi ở London (Anh) là những “liệu pháp kích cầu” du lịch khiến dư luận nức lòng.

Tuy nhiên, trong giới chuyên môn lại có những ý kiến nghi ngờ về hiệu quả thiết thực của những “liệu pháp kích cầu” này. Phóng viên đã có cuộc trò chuyện với Tiến sĩ Nguyễn Văn Tình, Cục trưởng Cục Hợp tác Quốc tế về vấn đề này.

Ngay từ khi đoàn làm phim của CNN, BBC vào Việt Nam để quay phim quảng bá hình ảnh Việt Nam, công chúng, báo chí rất quan tâm và rất hy vọng. Xin ông cho biết hiệu quả đạt được từ việc quảng bá trên 2 kênh quốc tế này?

Việc quảng bá hình ảnh Việt Nam trên các kênh truyền hình quốc tế được thực hiện lần đầu tiên vào cuối năm 2007 trên CNN. Sau thành công này, Bộ tiếp tục được Chính phủ cho phép quảng cáo trên các kênh truyền hình quốc tế nhằm tăng cường quảng bá hình ảnh về Việt Nam.

Chúng tôi nghĩ rằng, điều trước tiên để quảng bá du lịch Việt Nam là phải quảng bá được hình ảnh đất nước và con người Việt Nam vì thực tế là dù Việt Nam đã hòa bình gần 40 năm nay rồi, nhưng trên thế giới vẫn có rất nhiều người ở nhiều nước còn chưa “cập nhật” thông tin về Việt Nam chứ chưa nói là tiềm năng du lịch của chúng ta.

Có ý kiến cho rằng quảng bá du lịch Việt Nam trên BBC và CNN là không hiệu quả, vì đây là 2 kênh chuyên về thời sự - chính trị - kinh tế chứ không gần gũi với du lịch?


Rất nhiều người chỉ hỏi chúng tôi là thu hút được bao nhiêu khách sau khi thực hiện quảng bá như trên. Nhưng cần phải hiệu quả của việc quảng bá trên các kênh truyền hình này ở nhiều mặt, và trên bình diện lâu dài, không chỉ ở lượng khách du lịch cụ thể đến Việt Nam trong một thời điểm nào đó.

Chúng ta có thể biết đã có bao nhiêu người xem chương trình quảng bá này, và sau khi xem xong, đã có bao nhiêu người đã click vào trang web để tìm hiểu thêm về Việt Nam. Do đó không thể nói là quảng bá trên kênh về thời sự là không hiệu quả cho du lịch.

Như vậy có thể hiểu “kênh” quảng bá của Cục Hợp tác Quốc tế là quảng bá chung về đất nước ở tầm “vĩ mô”, còn các hoạt động của ngành du lịch mới là cụ thể?

Việc quảng bá du lịch một cách cụ thể để tăng lượng khách thì phải qua Hội chợ du lịch quốc tế, qua các chương trình giới thiệu về du lịch Việt Nam, các cuộc chào bán tour, xây dựng và quảng bá các sản phẩm du lịch mới, các chương trình khuyến mại đặc biệt như các chính sách kích cầu du lịch Ấn tượng Việt Nam... Đó là các hoạt động nghiệp vụ của ngành du lịch mà Tổng cục Du lịch đang làm.

Có ý kiến cho rằng việc quảng bá trên taxi London là không hiệu quả bằng trên xe buýt ở thành phố này?

Chúng tôi làm trên cơ sở đã có kinh nghiệm do Đại sứ quán Việt Nam ở Anh đã làm. Hơn nữa, taxi London là loại xe rất đặc trưng, ai đến London cũng bị ấn tượng bởi “đặc sản” này. Giá cả cũng tương đối “mềm” (quảng cáo trên 27 xe trong vòng 6 tháng với kinh phí là 600 triệu đồng).

Về Quỹ xúc tiến du lịch, năm 2008, quỹ này được cấp 30 tỷ đồng (năm nay là 25 tỷ). Có ý kiến cho rằng Cục Hợp tác Quốc tế không có kinh nghiệm xúc tiến du lịch nên “không làm nổi bất cứ công việc gì trong nửa cuối năm 2008”?

Ở đây có sự hiểu nhầm. Sau khi Chính phủ đồng ý phân bổ khoản tiền nhất định cho việc xúc tiến đầu tư- hương mại-du lịch, thì Bộ Tài chính thông báo các Bộ ngành được thụ hưởng.

Nguồn ngân sách này do Bộ Tài chính quản lý chứ không cấp trực tiếp một lần cho các Bộ ngành. Do vậy, không có cơ sở để nói là Bộ giao cho đơn vị nào chủ trì sử dụng khoản tiền xúc tiến này.

Trong trường hợp của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, thì không chỉ Tổng cục Du lịch, Cục Hợp tác Quốc tế mà cả các đơn vị khác, nếu có dự án phù hợp được duyệt, cũng được thụ hưởng nguồn ngân sách xúc tiến này của Chính phủ. Các đơn vị thuộc Bộ, ngành được thụ hưởng sẽ phải tự xây dựng kế hoạch, Bộ sẽ thẩm định và có văn bản đề nghị Bộ Tài chính cấp kinh phí.

Năm 2008, chúng tôi chỉ là một trong những đơn vị được thông báo là nằm trong các đơn vị được thụ hưởng số tiền này, chứ có phải Cục chúng tôi được chủ trì sử dụng cả 30 tỷ đồng đó đâu!. Dù được thông báo, nhưng không triển khai được nguồn ngân sách này là vì theo yêu cầu của Chính phủ, phải có quy chế sử dụng nguồn tiền này. Nhưng cho đến nay, sau nhiều lần xây dựng, dự thảo quy chế hiện vẫn đang trình chờ Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Tới đây Cục còn “gói’ quảng bá hình ảnh quốc gia nào không?

Quảng bá hình ảnh quốc gia có rất nhiều hình thức (như tổ chức các Tuần văn hóa Việt Nam, Ngày văn hóa Việt Nam ở nước ngoài), chứ không chỉ là trên các trên kênh truyền hình quốc tế, trên taxi... Trong kế hoạch năm nay, nhân dịp Liên hoan nghê thuật châu Á lần 10 ở Trung Quốc và Hội nghị Bộ trưởng Văn hóa châu Á cũng tại Trung Quốc, chúng tôi cùng Tổng cục Du lịch tổ chức một chương trình quảng bá du lịch Việt Nam...

Năm 2008 Cục chúng tôi đón 12 đoàn phóng viên các hãng truyền hình nước ngoài đến làm phim giới thiệu về văn hóa, du lịch Việt Nam. Từ 2009 đã đón 10 đoàn. Sắp tới Cục sẽ đón đoàn gồm 10 phóng viên các tạp chí du lịch nổi tiếng đến Việt Nam để viết bài. Chúng tôi cũng phối hợp mời nhà văn Australia chuyên viết về du lịch đến Việt Nam để viết bài quảng bá về đất nước chúng ta...

Việc diễn viên Châu Tấn đến Việt Nam dù chỉ là quay phim quảng cáo, nhưng cũng có thể trở thành một cơ hội để quảng bá hình ảnh Việt Nam. Tại sao Cục cũng không hề biết?

Việt Nam có rất nhiều công ty làm dịch vụ phim quảng cáo, và họ đón rất nhiều các đoàn làm phim nước ngoài vào để quay phim quảng cáo tại Việt Nam. Bộ có cấp phép cho các phim quảng cáo này, nhưng chỉ duyệt về nội dung, chứ không phải là nhân sự của đoàn làm phim. Thành phần làm phim gồm những “sao” nào thì họ có quyền làm visa trực tiếp ở Cục Xuất nhập cảnh để được vào Việt Nam thực hiện; nên chúng tôi cũng không nắm được. Trường hợp Châu Tấn thì tôi thấy đây đúng là trường hợp đầu tiên trong đoàn làm phim quảng cáo có một diễn viên rất nổi tiếng, được công chúng Việt Nam rất hâm mộ, vào thực hiện./.
(TT&VH/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục