Hàn Quốc sẽ tăng gấp đôi viện trợ ODA vào 2015

Hàn Quốc cam kết tăng gấp đôi viện trợ ODA vào năm 2015, với điều kiện chính phủ nước này cần xây dựng kế hoạch viện trợ phù hợp.
Hàn Quốc đã cam kết tăng gấp đôi viện trợ ODA vào năm 2015, chiếm 0,25% tổng thu nhập quốc dân (GNI).

Năm 2008, Hàn Quốc đã đóng góp 803 triệu USD cho các chương trình viện trợ phát triển, chiếm 0,09% GNI.

Tuy nhiên, xem xét điều kiện tài chính và qui mô nền kinh tế Hàn Quốc, thì trong thời gian ngắn nước này vẫn gặp những hạn chế về việc tăng viện trợ.

Chính phủ Hàn Quốc cần xây dựng kế hoạch viện trợ phù hợp với khả năng bằng việc hướng dẫn cụ thể và phân bổ các khoản nhận và đóng góp viện trợ.

Việc này sẽ cho phép các nước nhận viện trợ ít hơn nhưng sử dụng nguồn vốn hiệu quả hơn, nhằm tăng cường tiêu chuẩn phúc lợi.

Helen Clark, người đứng đầu Chương trình phát triển của Liên hợp quốc (UNDP) cho biết: "Hàn Quốc sẽ chia sẻ kinh nghiệm phát triển của mình với các nước đang phát triển khác.

Những quốc gia đang nhận viện trợ của Hàn Quốc một mặt muốn được tăng nhận viện trợ, mặt khác có thể học hỏi từ Hàn Quốc những kinh nghiệm và mục tiêu trong việc sử dụng thành công nguồn viện trợ nước ngoài để biến Hàn Quốc từ một trong những quốc gia nghèo nhất trên thế giới trở thành một trong những nền kinh tế hàng đầu thế giới và lớn thứ 4 tại châu Á.

Viện trợ phát triển có lợi đối với cả quốc gia nhận lẫn tài trợ, nên các quốc gia này nên chia sẻ ý tưởng và mục đích của mình.

Ngày 25/11, Ủy ban viện trợ phát triển (DAC) của Tổ chức hợp tác phát triển kinh tế (OECD) vẫn chưa quyết định chấp nhận Hàn Quốc trở thành thành viên DAC gồm 22 nền kinh tế lớn thế giới, nơi chiếm 90% quỹ phát triển toàn cầu.

Nếu được chấp nhận, Hàn Quốc sẽ trở thành nước châu Á thứ hai, sau Nhật Bản, tham gia vào Ủy ban này và là quốc gia đầu tiên từng nhận viện trợ phát triển.

Kể từ khi thoát khỏi ách thống trị của Nhật Bản vào năm 1945, Hàn Quốc đã nhận 60 tỷ USD viện trợ của cộng đồng quốc tế.

Trung Quốc gần đây cũng cam kết viện trợ 10 tỷ USD cho châu Phi, song nước này quan tâm nhiều đến mục tiêu ngắn hạn khi tập trung yêu cầu khai thác nguồn tài nguyên của lục địa này, dẫn đến những tranh cãi trong dư luận quốc tế./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục