Dân lấp cống xả thải khu công nghiệp vì ô nhiễm

Bức xúc vì nguồn nước bị ô nhiễm, người dân sống quanh KCN Quang Minh đã mang cuốc, xẻng ra… lấp cống xả thải của doanh nghiệp.
Đã từ lâu, người dân sống quanh khu công nghiệp Quang Minh (thuộc huyện Mê Linh, Hà Nội) phải sống chung với ô nhiễm do nước thải từ nơi này ra môi trường. Bức xúc, sáng 24/5, hàng trăm người dân tại tổ dân phố số 9, 10 (thị trấn Quang Minh) và thôn Ấp 1 (xã Tiền Phong) đã mang cuốc, xẻng ra… lấp cống xả thải của doanh nghiệp.

Khốn khổ vì nước thối

Có mặt tại khu công nghiệp (KCN) Quang Minh khi người dân đã hoàn tất công việc lấp cống, phóng viên Vietnam+ thấy họ khá bức xúc. Từ điểm lấp cống dẫn về đến khu dân cư thuộc tổ dân phố số 10 (thị trấn Quang Minh), mùi hôi thối bốc lên nồng nặc từ con mương nước chạy quanh.

Chị Tạ Thị Thanh Thủy, một người dân tại đây kể rằng, trước kia, nước ở con mương này trong lắm nhưng càng  ngày mương càng đen dần do nước thải của KCN Quang Minh đổ ra đây. Người dân như chị suốt ngày nơm nớp lo âu vì bệnh tật.

Mương "chết," dân không dám lội xuống đã đành nhưng khổ nhất là những ngôi nhà sống cạnh dòng nước đen thui. Ông Nguyễn Xuân Còm (tổ dân phố số 9, thị trấn Quang Minh) bảo, những ngày nắng nóng, mùi hôi thối bốc lên khó chịu, ông phải đóng kín cửa nhà mà vẫn không hết mùi.

Những chiếc giếng khơi quanh năm cho dòng nước mát nay đã bị nguồn nước ô nhiễm thâm nhập khiến người dân phải tìm cách khoan giếng để tránh nước thối. Khoan sâu vài chục mét, nhưng cũng có hôm, dòng nước từ giếng khoan có độ sâu 33m của nhà ông Còm vẫn “dính mùi” như thường.

Xuôi theo con mương là đến thôn Ấp 1, xã Tiền Phong. Tại đây, nhiều người dân làm việc trên cánh đồng cho hay, nước tưới rau của họ được lấy lên từ Đầm Và đã bị ô nhiễm bởi nước thải từ KCN Quang Minh. Một cư dân là ông Vương Đức Ngoàn cho hay, ông và bà con thường  xuyên bị mẩn ngứa bởi nước thải.

Ông Vương Duy Đương, Phó Chủ nhiệm Hợp tác xã Nông nghiệp thôn Ấp 1 khẳng định, tình trạng nước thải của KCN làm ô nhiễm nguồn nước tưới, nước sinh hoạt của dân đã có từ lâu, song gần một năm trở lại đây, mức độ ô nhiễm càng trở nên trầm trọng. Tại những mương nước quanh cánh đồng rộng 108 mẫu của thôn Ấp 1, cá tôm đã chết hết. Nhiều người dân đã phải khoan giếng giữa cánh đồng để tưới cho rau vì nhiều lần nguồn nước quái ác giết chết hoa màu của họ.

Cũng theo ông Đương, người dân đã viết đơn lên xã, rồi phản ánh tại các cuộc họp cử tri rất nhiều lần nhưng không thấy tình trạng ô nhiễm này biến chuyển. Thậm chí, có nhiều đoàn về kiểm tra, khảo sát nhưng người dân vẫn không thấy hồi âm. “Mấy năm nay, tỷ lệ chết trẻ do ung thư ngày càng nhiều nên chúng tôi rất lo cho đời sống của mình và của thế hệ mai sau,” ông Đương nói.

Đó cũng là lý do mà ông Đương đã cùng bà con “liên thôn” quyết định ra lấp hai cống xả thải của KCN Quang Minh. “Nếu KCN không có hướng xử lý, lại tiếp tục phá chỗ lấp cống để xả thải, chúng tôi sẽ góp tiền, mua bê tông cố định cống,” ông Đương tiếp tục.

Ô nhiễm nặng hơn từ 15/5/2010?

Trao đổi với báo chí trưa ngày 24/5, ông Hà Huy Quang, Phó chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Mê Linh, cho hay, việc người dân lấp cống của KCN là một sự việc đáng tiếc. Sau khi nhận được thông tin, huyện đã cử đoàn công tác xuống kiểm tra thực tế, làm việc với Công ty Nam Đức (chủ đầu tư KCN Quang Minh) và chính quyền địa phương.

Ông Quang cung cấp cho phóng viên “thông tin sơ bộ”: qua kiểm tra thực tế, vấn đề xử lý nước thải ở KCN này chưa đảm bảo theo quy định. Còn về kết luận chính thức sẽ phải chờ các cơ quan có thẩm quyền là Sở Tài nguyên và Môi trường xuống kiểm tra, lấy mẫu…

Theo ông Quang, báo cáo của Công ty Nam Đức cho thấy, việc nguồn nước thải ra môi trường bị ô nhiễm gây bức xúc cho dân xảy ra trong khoảng thời gian từ 15/5/2010 đến nay.

“Nước thải hôm nay nhìn màu sắc bằng mắt thường cũng không ổn, còn từ thời điểm 15/5 về trước thì không đến mức độ thế này,” ông Quang nói.

Được biết, Ủy ban Nhân dân huyện Mê Linh từng báo cáo Ủy ban Nhân dân Hà Nội và thành phố đã cử đoàn quản lý  tài nguyên môi trường về kiểm tra, lấy mẫu.

Báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cuối 2009 cho thấy, tại KCN Quang Minh, chất lượng nước xả thải của 10 cơ sở vượt tiêu chuẩn cho phép tới 10 lần, 27 cơ sở quản lý chất thải nguy hại không đúng quy định, 14 cơ sở khai thác nước ngầm không có giấy phép, hoặc khai thác nước vượt quá lưu lượng cho phép trong giấy phép. Các đơn vị gây ô nhiễm này đã bị xử phạt từ 350.000 đồng tới 33,3 triệu đồng.

Về việc người dân tự ý lấp cống xả thải của KCN ngày 25/5, ông Quang cho hay, sẽ cùng với KCN, các ngành  chức năng của thành phố Hà Nội họp bàn, tìm cách giải quyết trước mắt cũng như lâu dài vấn đề xử lý nước thải này./.

Trung Hiền (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục