"Lùm xùm" giữa WSS và nhà đầu tư: Gỡ vẫn rối

Gần 2 tháng kể từ khi một số nhà đầu tư gửi đơn tố cáo WSS cố tình ngưng bảng điện tử OTC, vụ việc vẫn chưa được giải quyết.
Đã gần 2 tháng kể từ khi một số nhà đầu tư tại Công ty chứng khoán Phố Wall (WSS) gửi đơn tố cáo WSS cố tình làm ngưng bảng điện tử OTC, gây thiệt hại lớn cho nhà đầu tư. Tuy nhiên, đến thời điểm này, hai bên vẫn chưa tìm được tiếng nói chung.

Lỗi thuộc về ai?


Cho đến thời điểm này, WSS vẫn khẳng định là không có việc “treo” bảng điện tử, các giao dịch vẫn diễn ra bình thường trong ngày phát sinh vụ việc.

Ông Phạm Đức Long, Phó Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Phó Tổng giám đốc Công ty chứng khoán Phố Wall khẳng định, sau khi có ý kiến phản ánh của nhà đầu tư, công ty đã yêu cầu ông Đoàn Trung Nguyễn, Giám đốc sàn OTC của WSS làm tường trình sự việc.

Ngoài ra, công ty đã thành lập một đoàn kiểm tra do Giám đốc khối pháp chế và tuân thủ rủi ro làm trưởng đoàn, thành viên còn lại là giám đốc IT và kiểm soát nội bộ.

Kết quả cho thấy, hoạt động IT ngày 5/6 vẫn diễn ra bình thường, giao dịch không thực hiện được chứ không phải treo.

Những khẳng định chắc chắn của ông Long đã gián tiếp phủ nhận những phản ảnh từ nhóm nhà đầu tư cho rằng, sáng 5/6, sàn OTC thuộc WSS tại số 1 Lê Phụng Hiểu, Hà Nội đã xảy sự cố. Bảng điện tử đã bị treo hết phiên buổi sáng ngày 5/6, trong khi đó giá cổ phiếu MB diễn biến rất phức tạp và đột biến.

Phiên đầu buổi sáng, giá cổ phiếu MB là 29.310 đồng/cổ phiếu nhưng đóng cửa phiên giao dịch hôm đó, giá cổ phiếu MB đã lên tới 38.000 đồng/cổ phiếu.

Các nhà đầu tư này cho rằng việc ngưng trệ bảng điện tử đã gây thiệt hại cho họ vài tỷ đồng.

Theo nhóm các nhà đầu tư, vụ việc tưởng như đã được giải quyết khi trong biên bản làm việc ngày 9/6 với ông Đoàn Trung Nguyễn, Giám đốc sàn OTC của WSS và ông Nguyễn Văn Hưng (phụ trách kỹ thuật), các nhà đầu tư đã yêu cầu WSS không công nhận việc mua-bán cổ phiếu MB phiên giao dịch ngày 5/6. Đồng thời, WSS phải chịu trách nhiệm mua cổ phiếu MB bằng giá cổ phiếu phiên cuối cùng của ngày 4/6.

Sau khi nghe phản ánh của các nhà đầu tư, ông Đoàn Trung Nguyễn cho biết sẽ báo cáo với lãnh đạo WSS và kiểm tra lại các lệnh mua/bán của nhà đầu tư, tình trạng tài khoản.

Sau đó, ông Nguyễn có bản cam kết viết tay và ký với nội dung: “Hai bên cam kết với nhau trả lại vào giá 28.000 đồng/cổ phiếu).

Ông Nguyễn cũng hứa sáng 12/6, 4 tài khoản của các nhà đầu tư trên có thể rút được tiền.

Tuy nhiên, cam kết trên, cũng như đề nghị của nhà đầu tư qua các cuộc làm việc sau đó vẫn chưa được giải quyết với lí do là phải chờ đợi ý kiến và quyết định của lãnh đạo WSS.

Cách nào để khơi thông bế tắc?

Lý giải cho những nội dung được đưa vào trong biên bản làm việc đã nêu trên, ông Vũ Ngọc Tú, Giám đốc Pháp chế, người phát ngôn của WSS giải thích, biên bản và nội dung biên bản chỉ là sự tiếp nhận ý kiến phản ánh của nhà đầu tư.

Tại biên bản đó, ông Đoàn Trung Nguyễn cũng “chú thích” là “đã tiếp nhận lắng nghe ý kiến nhà đầu tư và sẽ trình lãnh đạo giải quyết”.

Về cam kết hứa trả lại tiền thì theo ông Tú, đó là thỏa thuận cá nhân giữa ông Nguyễn với nhà đầu tư. Văn bản đó chỉ là của WSS khi có con dấu của công ty, hoặc từ quyết định của lãnh đạo công ty, hoặc từ ông Tú với tư cách là người được ủy quyền công bố thông tin.

Trong khi đó, lập luận của nhà đầu tư đưa ra là khi họ mở tài khoản, ký thỏa thuận chấp hành các quy định trong giao dịch chứng khoán OTC tại WSS là ký với ông Nguyễn - Giám đốc sàn OTC và là đại diện bên B.

Đến thời điểm này, ông Phạm Đức Long, Phó tổng giám đốc WSS cho rằng, công ty phải xác minh làm rõ xem nguyên nhân là do đâu, lỗi do ai. Tuy nhiên, sự việc vẫn khó giải quyết bởi ông Long cho rằng nhà đầu tư phản ánh một chiều, trong khi kiểm tra nội bộ của WSS lại nhận thấy hướng khác. “Vì sự khác nhau đó nên WSS chưa thể kết luận được”.

Trước những diễn biến phức tạp của vụ việc, mới đây Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã có văn bản trả lời về việc các nhà đầu tư tố cáo WSS cố tình treo bảng điện tử để ngừng giao dịch cổ phiếu MB gây thiệt hại cho khách hàng.

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước yêu cầu hai bên giải quyết vụ việc trên tinh thần thương lượng hòa giải.

Văn bản nêu rõ, trong trường hợp không thể thương lượng hòa giải, hai bên có thể tuân theo quy định tại khoản 2 điều 131 Luật Chứng khoán “thẩm quyền, thủ tục giải quyết tranh chấp phát sinh trong hoạt động chứng khoán và thị trường chứng khoán tại trọng tài hoặc tòa án được tiến hành theo quy định pháp luật”.

Mặt khác, theo quy định tại khoản 1 điều 132 Luật Chứng khoán, “tổ chức, cá nhân bị thiệt hại hoặc tổn thất do hành vi vi phạm quy định của luật này và các luật khác có liên quan có quyền tự mình hoặc cùng với tổ chức, cá nhân bị thiệt hại khác tiến hành khởi kiện để yêu cầu tổ chức cá nhân gây ra thiệt hại phải bồi thường”.

Dù chưa có kết luận cuối cùng nhưng diễn biến vụ việc này một lần nữa cảnh báo về vấn đề tuân thủ quy định về chứng khoán và thị trường chứng khoán cũng như tính minh bạch về những hoạt động môi giới chứng khoán hiện nay./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục