Còn nhiều “lỗ hổng”

Quản lý thuốc giả, kém chất lượng: Còn nhiều “lỗ hổng”

Hiện nay, công tác quản lý thuốc giả, kém chất lượng còn nhiều “lỗ hổng” như việc xử lý chưa nghiêm, nguồn thanh tra còn thiếu...

Ông Nguyễn Văn Viên – Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) cho biết, hiện nay tại Việt Nam có hơn 25.000 số thuốc đăng ký, bao gồm cả thuốc sản xuất trong nước và nước ngoài.

Tuy nhiên, có một thực trạng hiện nay là với công nghệ sản xuất thuốc giả rất tinh vi và hiện đại khiến cho công tác phòng chống thuốc giả, thuốc kém chất lượng gặp phải rất nhiều khó khăn và thách thức.

Thuốc giả thẩm lậu vào tận bệnh viện

Phát biểu tại hội thảo quốc tế “Thuốc giả: Từ thực tiễn đến hành động” tổ chức vừa được tổ chức tại Hà Nội, ông Viên cho biết, hiện nay hầu hết những loại thuốc giả là biệt dược, nhập khẩu có giá trị cao. Điều đáng lưu ý là một số thuốc đã thẩm lậu vào đến tận bệnh viện.

Nạn thuốc giả, thuốc nhái đang ngày càng phổ biến


Theo ông Viên, hàng năm, Cục có ra nhiều thông báo thu hồi thuốc và các lô thuốc không đạt chất lượng. Những thuốc nào có từ 2 lô trở lên bị thu hồi thì sẽ bị thu hồi toàn bộ mặt hàng.

Tính đến ngày 30/9/2012, trong năm qua Cục Quản lý Dược đã có thông báo thu hồi 64 lô thuốc, trong đó có 29 thuốc sản xuất trong nước và 35 loại thuốc nhập khẩu từ nước ngoài về.

Đánh giá về tình hình thuốc giả tại Việt Nam, ông Viên khằng định tất cả các dạng thuốc giả như không chứa hoạt chất, hoạt chất không đúng, thuốc giả mạo nhãn-giả mạo nhà sản xuất, sửa chữa hạn dùng, đóng gói lại, đông dược chứa tân dược đều xuất hiện tại Việt Nam.

Chưa xử lý nghiêm

Đánh giá về công tác đấu tranh phòng chống thuốc giả tại Việt Nam, ông Viên khẳng định hiện nay có nhiều loại thuốc giả có nguồn gốc nhập lậu và hầu hết được nhập lậu từ Trung Quốc về. Trong khi thực tế cho thấy tình trạng buôn lậu qua biên giới hết sức phức tạp. Bên cạnh đó, còn có tình trạng thuốc được mua bán lòng vòng, mua bán không nguồn gốc, không hóa đơn, hóa đơn không ghi rõ số lô… khiến cho lực lượng quản lý gặp nhiều trở ngại.

Chẳng hạn như khi cơ quan chức năng phát hiện ra một loại thuốc giả nhưng do tình trạng mua bán lòng vòng nên việc điều tra các bước tiếp theo nhiều khó khăn.

Cách nhận biết thuốc giả và sử dụng thuốc hiệu quả

Ông Viên cũng cho hay, phương pháp lấy mẫu thuốc để kiểm tra chất lượng hiện nay còn chưa hiệu quả trong phát hiện thuốc giả. Đối với các cơ quan quản lý dược thì thường lấy mẫu để khảo sát hay lấy mẫu theo vụ việc, theo một vài hoạt chất nhất định. Các vụ phát hiện ra thuốc giả lớn do lực lượng công an hoặc quản lý thị trường phát hiện.

"Đối với việc kiểm tra giám sát của các cơ quan kiểm nghiệm cũng như các cơ quan quản lý dược chỉ mang tính chất giám sát thị trường, chứ không kiểm tra 100% tất cả các lô thuốc nhập khẩu vào Việt Nam. Riêng đối với vắc-xin và sinh phẩm y tế, thì 100% các lô sản phẩm đều phải được kiểm nghiệm đánh giá bởi Viện kiểm định vắc xin và sinh phẩm quốc gia. Sau khi có giấy chấp nhận của viện kiểm định quốc gia thì mới được đưa ra lưu hành, sử dụng trên thị trường" - Ông Viên cho biết.

Bên cạnh đó, ông Viên thừa nhận, hiện nay sự phối hợp, trao đổi thông tin giữa các cơ quan của Bộ Y tế và các cơ quan chức năng thuộc các bộ, ngành, cấp chính quyền còn chưa đầy đủ, chặt chẽ, kịp thời. Hiện vẫn chưa thiết lập được cơ chế, quy trình thông tin giữa cơ quan quản lý và doanh nghiệp, dẫn tới việc thông tin chậm, không hiệu quả. Khi cơ quan chức năng đi xử lý thì tìm mãi không thấy loại thuốc giả đó trên thị trường.

Ngoài ra, ông Viên cũng nêu lên một điểm còn tồn tại nữa trong công tác phòng chống thuốc giả thuốc kém chất lượng hiện nay là còn một số vụ việc chưa được xử lý nghiêm khắc.

Đặc biệt, nguồn nhân lực quản lý dược, thanh tra còn thiếu, nhất là thiếu các phương tiện xác định, phân tích thuốc giả nhanh.

Ông Viên cũng dẫn chứng, theo quy định của pháp luật thì việc kiểm soát chất lượng hàng hóa trên thị trường và trong sản xuất phải do lực lượng kiểm soát viên chất lượng đảm nhiệm. Tuy nhiên, trong ngành dược hiện nay vẫn chưa tồn tại lực lượng kiểm soát viên chất lượng này. Vì vậy, việc lấy mẫu vẫn giao cho hệ thống kiểm nghiệm.

Trông chờ vào ý thức của doanh nghiệp


Phó cục trưởng Cục Quản lý Dược Nguyễn Việt Hùng khẳng định, trong vấn đề quản lý thuốc giả, thuốc kém chất lượng ngoài vai trò của các cơ quan quản lý, còn có vai trò rất lớn của các doanh nghiệp.

Ông Hùng nhấn mạnh: “Thuốc giả với kỹ thuật in ấn và kỹ thuật sản xuất càng ngày càng hiện đại, chúng tôi đã trao đổi với các doanh nghiệp và các doanh nghiệp cũng đã trao đổi lại rằng, chỉ có doanh nghiệp mới nhận biết được rõ nhất những 'đứa con' của mình.”

Vì vậy, ông Hùng cho rằng với kỹ thuật in ấn hiện nay rất hiện đại thì vai trò của doanh nghiệp trong việc kiểm tra, giám sát và phối hợp cung cấp thông tin với cơ quan chức năng là điều vô cùng quan trọng trong việc phòng chống thuốc giả. Trong thời gian qua, đã có khá nhiều doanh nghiệp phối hợp với cơ quan chức năng về vấn đề này.

Tuy nhiên không phải doanh nghiệp nào cũng muốn cung cấp thông tin về thuốc giả. Ông Viên phân tích, nhiều doanh nghiệp vì lo ngại thông tin thuốc giả ảnh hưởng tới hoạt động, uy tín của mình nên một số chủ sở hữu số đăng ký thuốc đãng không chủ động thông báo cho cơ quan quản lý để cảnh báo đến người dân.

Do vậy, để làm tốt công tác phòng chống thuốc giả thì ngành dược trong thời gian tới cần hoàn thiện hệ thống văn bản về lĩnh vực này, củng cố hệ thống quản lý. Và một trong những ưu tiên hàng đầu của ngành dược hiện nay là sẽ đề xuất và trình chính phủ để thành lập hệ thống kiểm soát viên chất lượng – lực lượng này chuyên sâu vào kiểm nghiệm thuộc lĩnh vực dược và y tế.

Bên cạnh đó, cần tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan liên quan và nâng cao vai trò của nhà sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực phòng và chống thuốc giả./.

Theo quy định về xử phạt về sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm và thuốc:

- Người sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh thì bị phạt tù từ 2 đến 7 năm.

- Người phạm tội có thể bị phạt tù từ 2-7 năm.

- Người phạm tội có thể bị phạt tiền từ 5 triệu đến 50 triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, cấm hành nghề từ 1 đến 5 năm.
Thùy Giang (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục